CPTPP có hiệu lực: Thách thức từ sở hữu trí tuệ

Cập nhật: 24-04-2019 | 07:23:41

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được 11 nước ký kết vào ngày 8-3-2018. Tại Việt Nam, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc phê chuẩn CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12-11-2018. Hiệp định này có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14-1-2019. Trong các điều khoản của CPTPP, vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) đã có những thay đổi, quy định mới so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

 Việc vi phạm SHTT trong CPTPP dù cố ý hay vô ý đều bị xử lý nghiêm. Trong ảnh: Chi cục Quản lý thị trường tiêu hủy thuốc lá lậu, thuốc lá không rõ nguồn gốc. Ảnh: HOÀNG PHẠM

  Doanh nghiệp phải thích nghi

Vấn đề SHTT, trước đây TPP đã dành riêng một trong tổng số 30 chương để đưa ra các quy định. Kế thừa các quy định nói trên CPTPP hướng đến các tiêu chuẩn cao về bảo hộ quyền SHTT, có quy định cho phép xử lý hình sự các vụ việc xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại lớn cho người sở hữu quyền SHTT, đặc biệt là yêu cầu các nước cho phép khả năng xử lý hình sự. So với cách tiếp cận trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO - chỉ xử lý hình sự khi xâm phạm ở quy mô thương mại và thu lợi bất chính) thì cách tiếp cận trong CPTPP có phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu hơn .

Ông Trần Giang Khuê, đại diện Cục SHTT Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết trước đây, mỗi quốc gia lại có cách diễn giải khác nhau về “quy mô thương mại” nên đã từng nảy sinh những vụ kiện ở WTO về vấn đề này. Do vậy, CPTPP đã “xiết” tiêu chuẩn xác định quy mô thương mại, cụ thể hành vi xâm phạm SHTT ở quy mô thương mại sẽ bị khép vào mức xử lý hình sự. Theo đó, đối với CPTPP, khi có hành vi xâm phạm SHTT ở quy mô thương mại thì không cần biết là cố ý hay vô ý cũng sẽ bị khép vào hành vi ở quy mô thương mại. Đây là điều mà doanh nghiệp và ngay cả người buôn bán nhỏ cần phải lưu ý, bởi có những trường hợp vô tình xâm phạm nhưng dẫn đến thiệt hại cho chủ sở hữu cũng có thể bị quy kết.

Một vấn đề cần nhắc tới, đó là hiện nay các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vấn đề SHTT rất hay bị cho qua, trong khi nếu gia nhập CPTPP và mở cửa thị trường thì đây lại là yếu tố được các doanh nghiệp nước ngoài đặt lên hàng đầu. Khi vi phạm vấn đề này, theo quy định, tùy theo mức độ của các hành vi vi phạm sẽ có biện pháp xử lý hành chính, cảnh cáo, phạt tù tương ứng. Vì thế, các doanh nghiệp tiếp tục có hành vi xâm phạm về SHTT sẽ rất dễ dẫn đến phá sản.

“Đối với CPTPP, do việc bảo hộ cao, dẫn đến các đối tượng mới sẽ được đưa vào diện bảo hộ như nhãn hiệu âm thanh, mùi vị hoặc bảo hộ đối tượng kiểu dáng công nghiệp từng phần. Đây cũng là một trong những sức ép đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới để thích nghi”, ông Khuê cho biết thêm.

Điều chỉnh quy định liên quan cho phù hợp

Về cơ bản, CPTPP tiến bộ hơn so với TPP nên nó toàn diện hơn. Chính vì CPTPP hoàn thiện hơn nên vấn đề SHTT vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam. Thách thức lớn nhất hiện nay là khi vi phạm SHTT ở Việt Nam chỉ xử phạt hành chính các hành vi vi phạm SHTT, chưa có những quy định xử lý bằng hình sự. Tuy nhiên, CPTPP cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi TPP, trong đó có 11 nghĩa vụ liên quan tới SHTT.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, với việc tạm hoãn thời gian 5 năm là cơ hội để nước ta điều chỉnh những quy định, văn bản pháp luật về SHTT để phù hợp với các quy định của CPTPP; đồng thời coi đây là áp lực để thực hiện tốt hơn pháp luật về bảo vệ SHTT, nhất là tệ nạn hàng nhái, hàng giả, ăn cắp bản quyền, thương hiệu... ngay ở trong nước. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xây dựng luật, sửa đổi các luật có liên quan để thực hiện cam kết của CPTPP. Theo dự kiến, đến giữa năm 2019 những luật liên quan sẽ được trình lên Quốc hội. Cục SHTT là cơ quan đầu mối để xây dựng, chủ trì và phối hợp cùng với các cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi Luật SHTT.

Theo luật sư Hoàng Thái Nguyên, Văn phòng Luật sư Phanxita (TP.Thủ Dầu Một), kể từ khi gia nhập WTO và tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương, đến nay khung pháp lý cho việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam về cơ bản đã được điều chỉnh. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu như hiện nay, các tranh chấp về quyền SHTT ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp, nhất là khi CPTPP đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, trên cơ sở khung pháp lý đã có cũng cần phải có những điều chỉnh, thay đổi các quy định về SHTT cho phù hợp với thực tiễn.

 Ông Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho rằng đối với các doanh nghiệp, cần chú trọng đăng ký SHTT nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp. Các địa phương và doanh nghiệp cần làm tốt hơn chỉ dẫn địa lý để được bảo hộ tại các quốc gia trong CPTPP. Để có thể thích ứng với các quy định của CPTPP, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao nhận thức, tránh vi phạm SHTT, hạn chế tối đa việc kiện tụng.

KHÁNH ĐĂNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=647
Quay lên trên