Trên toàn cầu, cứ mỗi 6 giây có một trẻ em bị chết đói. Số liệu trên do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đưa ra trong Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á (WEFEA) lần thứ 20 diễn ra trong hai ngày 12 và 13-6 tại thủ đô Jakarta, Indonesia. An ninh lương thực đã trở thành vấn đề được chú trọng nhiều nhất tại Hội nghị WEFEA lần này.
Tầm nhìn mới về nông nghiệp
Trong hai ngày diễn ra hội nghị, hơn 600 đại biểu gồm các quan chức cấp cao, nhà hoạch định chính sách kinh doanh, đại diện nhiều tổ chức xã hội, các nhà quản lý doanh nghiệp và chuyên gia đến từ 40 quốc gia đã bàn thảo 25 vấn đề chính yếu, trong đó có vấn đề chính trị, kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư, năng lượng, công nghệ, thiên tai, chống nạn phá rừng, du lịch, các vấn đề xã hội, an ninh… Trong đó, vấn đề an ninh lương thực được đẩy lên làm trọng tâm.
Các đại biểu đã đưa ra những giải pháp đối với hàng loạt vấn đề cấp bách đặt ra ở khu vực Đông Á như sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên (lương thực, năng lượng, nước…) trong khi thiên tai, thảm họa thiên nhiên ngày càng dữ dội.
Bất ổn chính trị ở Thái Lan có thể đẩy giá gạo xuất khẩu của nước này tăng mạnh.
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono lưu ý rằng hơn 60% trong tổng số 7 tỷ người trên Trái đất hiện sống tại châu Á, do đó châu lục này đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong khi tìm kiếm và cạnh tranh để có các nguồn tài nguyên hữu hạn của thiên nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Ông Susilo kêu gọi chú trọng phát triển công nghệ và coi đây là chìa khóa để giải quyết những thách thức này...
Hội nghị đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến sáng kiến “Tầm nhìn mới về nông nghiệp ở Đông Á” (đã được đưa ra thảo luận trong phiên họp kín ngày 11-6) của WEF. Sáng kiến này bao gồm các giải pháp thị trường nhằm xây dựng nền nông nghiệp có khả năng đảm bảo an ninh lương thực bền vững về môi trường và có lợi về kinh tế.
Song song đó là đẩy mạnh các biện pháp đối phó với tình trạng mất cân bằng kinh tế toàn cầu, thảm họa thiên nhiên, nạn phá rừng, mất cân bằng hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường lan tràn ở châu Á và trên thế giới.
Nỗi lo giá gạo
Viện Nghiên cứu gạo quốc tế (IRRI) cho biết, giá gạo thế giới trong tháng 6 năm nay tăng 17% so với cùng kỳ. Mức tăng này được cho là khá an toàn trong khi mức tăng nhiều loại lương thực khác tăng vọt lên 50% đến 150%.
Tuy nhiên, theo IRRI, sắp tới sẽ có sự thay đổi. Giá các mặt hàng lương thực tăng đến mức nào đó sẽ khiến nhiều nước châu Á như Indonesia, Myanmar và Bangladesh chuyển hướng tập trung nguồn dự trữ, dẫn đến hạn chế xuất khẩu gạo.
Về phía Thái Lan, đảng Puea Thai (Vì người Thái) vốn phần lớn là người ủng hộ cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra cam kết sẽ mua gạo trực tiếp từ nông dân với giá 15.000 baht/tấn (tương đương 496USD) nếu giành thắng lợi vào đợt bầu cử ngày 3-7 sắp tới.
Dự tính, Thái Lan sẽ xuất khoảng 9 - 9,5 triệu tấn gạo ra thị trường quốc tế trong năm nay. Theo tính toán, việc đẩy giá cao gấp đôi so với mức giá trung bình trong nước (8.000 baht/tấn gạo) hiện nay sẽ khiến giá xuất khẩu gạo Thái tăng mạnh, có thể lên mức 870USD/tấn, ảnh hưởng xấu đến thị trường xuất khẩu gạo Thái Lan, vốn được mệnh danh là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Giới phân tích nhận định hệ quả là có thể gây ra lạm phát lương thực trong nửa sau năm 2011.
Theo SGGP