Cù lao Bạch Đằng chuyển mình

Cập nhật: 17-06-2013 | 00:00:00

Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt kinh tế - xã hội của xã Bạch Đằng (huyện Tân Uyên) đã có bước phát triển vượt bậc.

Với mục tiêu xây dựng xã cù lao ngày càng trù phú, qua hơn 10 năm thực hiện xây dựng, bằng sự quyết tâm, đoàn kết của chính quyền và nhân dân cùng với sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành, đến nay Bạch Đằng đã từng bước trở thành một xã NTM phát triển, năng động.

Điều dễ nhận thấy nhất khi đến với Bạch Đằng chính là hệ thống giao thông đã được xây dựng hoàn chỉnh, cùng với đó là nhiều công trình mới đã được xây dựng khang trang, hiện đại. Hệ thống giao thông nông thôn đang ngày càng được hoàn chỉnh bằng việc bê tông hóa, nhựa hóa đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.  

Hệ thống giao thông tại Bạch Đằng xây dựng hoàn chỉnh đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, giao thương của người dân

Anh Nguyễn Hữu Tâm - một cán bộ trẻ của xã Bạch Đằng cho biết: “Là một người con của vùng đất cù lao, tôi có thể nhận thấy rõ ràng từng bước phát triển của quê nhà. Trước đây, việc đi lại của người dân trong xã rất khó khăn, chúng tôi đi học phải băng qua những tuyến đường ruộng rất lầy lội, nhiều khi đến được trường thì người đã lấm lem bùn đất. Nhưng nay đã hết cảnh lầy lội ấy rồi, thay vào đó là những con đường nhựa láng bóng. Cầu Bạch Đằng được xây dựng đã rút ngắn thời gian từ cù lao đến với trung tâm huyện lỵ. Qua đó giúp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Bạch Đằng thuận lợi hơn”.

Hiển hiện rõ nhất trong hơn 10 năm xây dựng nông thôn ở Bạch Đằng là kết cấu hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội như: Điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi xã hội khác đã từng bước được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Trong đó, một số chỉ tiêu Bạch Đằng đạt cao như tỷ lệ hộ dân sử dụng điện, nước sạch, điện thoại… Bên cạnh đó, người dân cũng đã rất chủ động trong việc cùng với chính quyền xã thực hiện các mục tiêu, chương trình như đóng góp về đất đai, tài sản trên đất…Vì vậy mà hiện nay các tuyến đường vào ngõ, xóm đã xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa của nhân dân Bạch Đằng cũng đang ngày càng phát triển hơn.  

Trung tâm Văn hóa xã Bạch Đằng được xây dựng khang trang, hiện đại

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý và mạnh mẽ theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và nâng cao thương mại, dịch vụ đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hộ khá, giàu nâng lên và hộ nghèo đang giảm dần. Thực hiện việc khôi phục và nâng cao chất lượng vườn bưởi truyền thống, nông dân Bạch Đằng đã được hỗ trợ về giống mới, phân bón, khoa học kỹ thuật… vì vậy mà đến nay nhiều diện tích trồng bưởi của Bạch Đằng đã phát triển tốt và cho năng suất cao. Đặc biệt, xã Bạch Đằng đã xây dựng được nhãn hiệu bưởi tập thể, đây chính là điều kiện tốt để cho sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Bạch Đằng có thể vươn xa ra thị trường. Song song với việc phát triển cây bưởi, sản xuất rau an toàn cũng đang hứa hẹn nhiều tiềm năng trở thành mô hình mang lại hiệu quả cao cho nông dân Bạch Đằng trong thời gian tới.

Nói về quá trình phát triển trong 10 năm của xã nhà, ông Phạm Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, chia sẻ: “Sau giải phóng, Bạch Đằng là một xã thuần nông có xuất phát điểm rất thấp. Đường sá đi lại rất khó khăn, mức sống của người dân rất thấp… Nếu không được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư và không có chương trình xây dựng NTM thì Bạch Đằng rất khó để có những kết quả như hiện nay. Chúng tôi sẽ cố gắng phát huy các kết quả đã đạt được nhằm tiếp tục thực hiện thành công các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới”.

Là một xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, Bạch Đằng đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền để xây dựng thành công xã NTM trong năm 2013. Bạch Đằng đã chú ý hơn đến việc kết hợp phát triển kinh tế nông nghiệp với du lịch sinh thái nhằm phát huy tối đa lợi thế của một xã cù lao. Ông Hoàng cho biết thêm: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố chất lượng các vườn bưởi cũng như tạo điều kiện cho nông dân mở rộng diện tích trồng bưởi. Chúng tôi đã xác định cây bưởi chính là cây trồng chủ lực, chú trọng sản xuất sạch gắn với nhãn hiệu tập thể để bảo đảm thương hiệu bưởi Bạch Đằng ngày càng được nâng cao”.

Đến nay, số hộ sử dụng nước sạch của Bạch Đằng đạt trên 50%. Tổng số vốn đầu tư cho trung tâm văn hóa xã là khoảng 15 tỷ đồng, tổng số tiền đầu tư cho xây dựng Bưu điện văn hóa xã là trên 800 triệu đồng. Về NTM, hiện nay Bạch Đằng đạt 16/19 tiêu chí. Tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100% theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT; thu nhập bình quân đầu người năm 2012 của xã đạt 21,46 triệu đồng; hộ nghèo chỉ còn 0,94%; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 99%.

 

 CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=568
Quay lên trên