Cù lao Rùa: Di tích Khảo cổ học cấp quốc gia

Cập nhật: 09-05-2015 | 08:38:59

Cù lao Rùa có tên gọi khác là Cù lao Thạnh Hội, thuộc xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên (nay làxãThạnh Hội, TX.Tân Uyên). Cù lao Rùa có diện tích bồi tụ là 286 ha, bề mặt khá bằng phẳng, có cao trình khoảng 2,0 - 3,0m so với mực nước sông. Mạn đông bắc của cù lao có một gò cao khoảng 18m, tên địa phương gọi là Gò Rùa, đây chính là khu vực phân bố của di tích. Gò Rùa có dạng oval, trải dài theo hướng tây bắc - đông nam, có diện tích khoảng 49,300m2. Bề mặt di tích tương đối bằng phẳng, nghiêng nhẹ theo hướng đông bắc - tây nam, các mặt đồi hướng đông bắc và đông nam choãi nhẹ, còn mặt ngược lại độ dốc lớn. Cù lao Rùa được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia vào năm 2009.

 Hố khai quật di tích Cù lao Rùa

 Phát hiện

Đây là một trong những di tích được phát hiện rất sớm ở Đông Nam bộ, ghi nhận lần đầu bởi phát hiện của E.Cartailhac vào năm 1888. Đến năm 1889, E.T.Hamy công bố Tư liệu này trên Tạp chí Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tại Paris, trong đó có đề cập đến Cù lao Rùa.

Vào năm 1902, D.Grossin đã đào ở khu vực bờ thành một mỏ đá phía tây của di tích, kết quả thu được 13 công cụ đá, bàn mài với nhiều kích cỡ khác nhau. Hiện vật được Grossin chuyển giao cho Bảo tàng Saint Germain en Laye (Pháp) và trường Viễn Đông Bác Cổ (Hà Nội), gồm đa số là rìu có vai và một số ít rìu tứ giác.

 Hiện vật tùy táng trong mộ huyệt đất

Năm 1910, A.Jodin đã khai quật di tích Cù lao Rùa và 3 năm sau mới công bố kết quả cuộc khai quật với nhiều đồ đá và đồ gốm như rìu đá, bàn mài, đồ đựng, dọi xe chỉ… Năm 1911, F.Barthere công bố bài viết trong Kỷ yếu Hội Khảo cổ học Provance (Marseille) nhiều di vật Cù lao Rùa kèm theo ảnh chụp, có cả đồ gốm như bình, bát, đĩa, chân nồi, chì lưới, bi gốm.

Năm 1937, hai nhà khảo cổ học L.Malleret và O.Jansé đã đến nghiên cứu Cù lao Rùa. Họ đã khai quật 3 điểm ở khu vực đỉnh gò và 2 điểm ở mức cao độ tiếp theo trong lớp đất màu đỏ cấu tạo bởi laterite phong hóa.

Năm 1961, E.Saurin có đến nghiên cứu di tích dưới góc độ địa chất học. H.Fontaine cũng đã đến khảo sát và thông báo kết quả khai quật của mình tại di tích Cù lao Rùa với phát hiện nhiều công cụ đá, trong đó công cụ có vai chiếm vai trò chủ đạo.

Đến năm 1975, một lần nữa H.Fontaine công bố tổng số những di vật thuộc di tích Cù lao Rùa lưu giữ tại Sở Địa chất Sài Gòn với 383 công cụ đá, trong đó có 43 công cụ có vai…

Từ sau ngày thống nhất đất nước, di tích Cù lao Rùa đã được các nhà khảo cổ thuộc Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học - Viện Khoa học Xã hội tại TP.Hồ Chí Minh điều tra và đào thám sát nhiều lần. Số lượng hiện vật thu được qua những cuộc điều tra thám sát này khá nhiều. Trên cơ sở đó, vào năm 2003, Cù lao Rùa được khai quật quy mô lớn với sự phối hợp của Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ và Bảo tàng Bình Dương. Kết quả khai quật phản ánh gần như toàn diện về tính chất, đặc điểm của di tích này. Trong cuộc khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một tính chất mới bên cạnh tính chất cư trú đã được nhiều người đề cập đến, đó chính là việc phát hiện khu vực mộ táng ở sườn gò phía bắc.

Di tích cư trú, mộ táng

Các di vật khảo cổ phát hiện được cho thấy có hai giai đoạn cư trú sớm và muộn trong di tích tương ứng với dấu vết quan sát được trên vách một số hố khai quật. 2 giai đoạn này có những giai đoạn khác biệt nhất định về di vật. Tuy nhiên chúng chỉ là hai giai đoạn đại diện cho một quá trình phát triển liên tục của cộng đồng cư dân cổ từng cư trú nơi đây.

Giai đoạn sớm bắt đầu hình thành ngay từ khi những cư dân đầu tiên sống tại cù lao, ngay trên bề mặt lớp đá ong sườn gò. Khi bắt đầu định cư nơi đây, cư dân cổ chỉ sống tập trung nơi sườn gò phía tây do nơi đây thoáng đãng, diện tích cư trú lớn, các khu vực khác như sườn phía bắc, sườn phía đông, đỉnh gò dấu vết cư trú thưa thớt hơn. Đặc biệt, tại khu vực sườn gò phía bắc, sau một thời gian ngắn cư trú tại đây - có thể là một vài thế hệ, cư dân cổ đã sử dụng bãi đất này để dành riêng cho việc chôn cất người chết.

Giai đoạn muộn có sự gia tăng rõ rệt về di vật đá. Thay đổi rõ nét nhất ở loại hình rìu tứ giác xuất hiện ngày càng nhiều, rìu tam giác được sử dụng phổ biến hơn. Loại hình đục và cuốc vốn rất hiếm ở giai đoạn sớm cũng xuất hiện phổ biến ở giai đoạn này. Dao hái xuất hiện nhưng không nhiều cho thấy những tín hiệu của nghề trồng trọt vào giai đoạn muộn có lẽ phát triển hơn trước. Bàn mài được sử dụng rất nhiều. Đồ trang sức có thể coi là sản phẩm của giai đoạn muộn, trong khi giai đoạn sớm rất ít.

Phát hiện mộ táng năm 2003 là một phát hiện mới, quan trọng với 12 mộ huyệt, tất cả chúng thuộc khu vực sườn đồi nghiêng nhẹ ở phía bắc Gò Rùa. Dấu hiệu nhận biết các huyệt mộ này xuất hiện mờ nhạt với các cụm mảnh gốm, miệng gốm có vẻ tập trung thành từng khu vực. Khi xử lý bóc dần từng lớp đất của tầng văn hóa, các cụm gốm tập trung như nồi, bình, vò, bát bồng còn nguyên dạng tại chỗ và bị vỡ do độ nén của các lớp đất trên nó xuất lộ, bên cạnh chúng là các công cụ còn nguyên đặt rải rác bên cạnh một cách có chủ ý.

Các mộ huyệt đất này có cấu trúc phổ biến gồm các cụm đồ gốm đặt thẳng hàng, có thể là 2 nồi và 1 bát bồng, một cụm 3 nồi gốm hay nồi gốm và các đồ gốm nhỏ như lọ, bình… bên cạnh các cụm đồ gốm này là một số công cụ đá như rìu, đục và một số viên đá nhỏ có vẻ như dùng để đánh dấu vị trí mộ. Qua so sánh, phân tích các đồ gốm tùy táng và gốm trong di tích cư trú cho thấy các mộ huyệt đất này thuộc giai đoạn sớm tại di tích Cù lao Rùa.

Niên đại

H.Fontaine có đưa ra một kết quả phân tích C14 với niên đại 2.230 + 40 BP, tuy nhiên đây có thể là mẫu đại diện cho giai đoạn muộn tại di tích. Với các tư liệu mới phát hiện trong đợt khai quật năm 2003, đã làm thay đổi nhận thức về niên đại khởi đầu của di tích Cù lao Rùa với xu hướng đẩy lên một mốc sớm hơn. Tầng văn hóa và đồ gốm cho thấy có hai giai đoạn cư trú đã diễn ra nơi đây, giai đoạn cư trú sớm có thể vào khoảng 3.500 năm đến 3.000 năm cách ngày nay, giai đoạn cư trú muộn khoảng 3.000 năm đến 2.500 năm cách ngày nay.

Khuôn đúc Cù lao Rùa

Bát bồng trong di tích Cù lao Rùa

Công cụ đá di tích Cù lao Rùa

Qua quá trình nghiên cứu, Cù lao Rùa trở thành một trong những di tích quan trọng, có thể đại diện cho một bước trong chuỗi phát triển của phức hệ văn hóa Đồng Nai. Hai tính chất cư trú và mộ táng cùng tồn tại trong một địa điểm khảo cổ là một thông tin quan trọng giúp chúng ta hiểu rõ hơn nhiều mặt của cuộc sống cổ nhân từ khi họ sống, lao động đến khi qua đời. Bên cạnh đó, nghiên cứu các khu mộ táng còn giúp hiểu được về đời sống tinh thần, qua đó phản ánh phần nào cấu trúc kinh tế - văn hóa và cả mức độ phân hóa xã hội của các cộng đồng cư dân cổ xưa từng sinh sống trên cù lao này. Người cổ Cù lao Rùa đã có một hoạt động đa dạng không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn kết hợp kinh tế khai thác và chắc hẳn họ đã khai thác triệt để lợi thế của mình về vị trí biệt lập của một cù lao giữa sông, để kết nối với các cộng đồng cư dân lân cận từng cư trú ven sông Đồng Nai. Chắc rằng sự đan xen giữa khó khăn và thuận lợi từ điều kiện tự nhiên đã tạo một lực đẩy quan trọng trong quá trình sáng tạo của cộng đồng cư dân cổ nơi đây.

 BÌNH CÔNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=5359
Quay lên trên