PGS-TS Hà Đình Đức, thành viên Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa Hồ Gươm (vừa được UBND TP Hà Nội thành lập) cho biết tổ công tác của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã tiến hành lấy mẫu nước và bùn ở nhiều điểm trên Hồ Gươm nhằm phân tích thực trạng ô nhiễm của hồ trong thời điểm hiện tại để báo cáo kết quả lên Trưởng Ban chỉ đạo, nhằm sớm đưa ra phương án khắc phục.
Ngoài những vết thương ở cổ và mai, cụ Rùa có thể đang bị viêm phổi. Theo ghi chép của ông Đức, liên tục trong 18 ngày từ đầu tháng 2 đến nay, cụ Rùa đã nổi tới 28 lần, có lúc kéo dài rất lâu. Trong khi đó, ghi chép từ tháng 1-11/2010, số lần nổi lên trong mỗi tháng của cụ Rùa là từ 9-14 lần/tháng. Những thống kê này cho thấy hàng loạt dấu hiệu bất thường liên quan đến sức khỏe và các vết thương trên mình cụ Rùa. Ông Đức khẳng định, công tác cứu chữa cho cụ Rùa đã trở nên cấp thiết. Cần đưa ngay cụ lên chân Tháp Rùa để kiểm tra và chữa trị kịp thời.TS Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản đánh giá, quan sát những vết thương của cụ Rùa có thể nhận thấy cụ đã bị lở loét ở dọc phần giữa mai lưng. Đây là vết thương rất nặng. Ngoài ra, có thể do đang mắc bệnh viêm phổi do vi khuẩn nên cụ Rùa không thể ở dưới nước lâu mà thường xuyên phải nổi lên tầng mặt để hố hấp. Lại thêm yếu tố môi trường nước bùn đen quá bẩn nên càng khiến vết thương nhanh diễn biến xấu thêm.
Việc đánh bắt và tiêu diệt rùa tai đỏ ở hồ Hoàn Kiếm cũng đang được Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội chuẩn bị tiến hành, bởi các nhà khoa học đều khẳng định đây là đối tượng ngoại lai gây tác động xấu đến môi trường và sức khoẻ của cụ Rùa Hoàn Kiếm.
Theo Dân Trí