Cục Thuế Bình Dương: “Một cửa” đến đâu, hoàn thuế có kẻ hở?

Cập nhật: 16-08-2010 | 00:00:00

  Thủ tục của ngành thuế thông thoáng sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian cho doanh nghiệp và người dânCải cách hành chính có tạo ra sự thông thoáng cho doanh nghiệp (DN) và người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế; có tạo ra kẽ hở cho công ty “ma” hoạt động; trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) thời gian qua có kẽ hở nào để DN trốn thuế, gian lận thuế hay không. Đây là những nội dung được Phó Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Trần Thế Vượng đặt ra trong quá trình thực hiện giám sát tại Cục Thuế Bình Dương vừa qua.

Xem lại khái niệm “một cửa”

Cơ chế “một cửa” chỉ là  cách gọi hình tượng vậy thôi chứ thực ra chất lượng giải quyết công việc khi áp dụng cơ chế này cũng không khác cách làm truyền thống là mấy. “Trước kia, DN, người dân khi đến làm thủ tục về thuế, phải đến nhiều phòng chức năng, nay thì đến một phòng, gọi là “một cửa”. Nếu xét về hình thức, có vẻ như rất gọn nhưng thực ra, việc giải quyết các thủ tục vẫn phải đi đến các phòng chức năng. Người đến làm thủ tục vào một cửa nộp hồ sơ xong, nhân viên ở phòng “một cửa” vẫn phải chuyển hồ sơ lên các phòng chức năng để xử lý. Như vậy, bộ phận “một cửa” cũng không khác gì chúng ta thiết lập ra thêm một anh văn thư nữa...”, ông Vượng nhìn nhận.

Mặt khác, theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính, việc áp dụng cơ chế một cửa tại các cục thuế địa phương vẫn còn có sự chia nhánh. Chỉ có 8 nội dung thủ tục thuế đi vào “một cửa”, còn 2 nội dung là kê khai thuế và hoàn thuế vẫn phải qua cửa thứ 2 là phòng kê khai. Trước thực tế này, các thành viên của đoàn giám sát của UBTVQH cho rằng, cần rà soát lại các quy định để xem xét, điều chỉnh sao cho “một cửa” phải là một cửa chứ nói một cửa mà người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi 2 cửa là chưa ổn...”.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Minh Trí, Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương cho rằng, trên thực tế cũng phải nhìn nhận những tiện ích từ cơ chế “một cửa” hiện nay. Đó là việc giảm bớt rõ ràng sự tiếp xúc giữa người dân, DN với các nhân viên thuế, giảm bớt sự đi lại không cần thiết, tiết kiệm được thời gian. Khi DN, người dân đến làm thủ tục, khi áp dụng cơ chế “một cửa”, trong trường hợp kê khai hồ sơ sai, nhân viên tại phòng tiếp nhận hồ sơ có thể tư vấn ngay, giúp hoàn thiện hồ sơ. Mặt khác, bộ phận “một cửa” cũng có thể giải đáp các thắc mắc trực tiếp cho người dân, DN các thủ tục về thuế... Ngoài ra, việc áp dụng cơ chế một cửa liên thông với Sở Kế hoạch & Đầu tư cũng giảm bớt thời gian cho DN khi thực hiện đồng thời việc đăng ký kinh doanh và cấp mã số thuế; việc liên thông với kho bạc và các ngân hàng cũng giúp tiện ích cho DN trong vấn đề thanh khoản...

Lo ngại hoàn thuế

Trước cách đặt vấn đề của đoàn giám sát của UBTVQH về những nguy cơ kẽ hở trong việc hoàn thuế GTGT, ông Huỳnh Minh Trí cũng bày tỏ sự lo ngại trong công tác này. Theo ông Trí, Bình Dương với phần đông là các DN sản xuất xuất khẩu, việc hoàn thuế GTGT khá lớn. Do đó, Cục Thuế cũng luôn hết sức thận trọng trong công tác này. Ông Trí cho rằng, cái khó nhất của ngành thuế trong việc hoàn thuế là xác minh các hóa đơn, chứng từ: “Việc kiểm tra, xác minh rất khó, có khi chúng tôi gửi đi xác minh nhưng rất lâu mới được phúc đáp, thậm chí  70 - 80% hóa đơn, chứng từ gửi đi mà không có hồi âm... Trong khi đó, việc kiểm tra sau hoàn thuế cũng chỉ chủ yếu dựa trên kiểm tra hồ sơ mà thôi...”.

Theo ông Trương Cao Nghĩa, Trưởng phòng Kiểm tra thuế số 3, Cục Thuế Bình Dương cho rằng, chính sách VAT là rất tuyệt vời, vấn đề là cần tổ chức quản lý, thực hiện cho tốt. Trước lo ngại về các kẽ hở trong công tác hoàn thuế GTGT, ông Nghĩa đặt vấn đề: “Trong công tác hoàn thuế, cơ quan thuế không thể đi xác minh chính xác đến từng cái hóa đơn, chứng từ. Do đó cần phải có biện pháp mới”. Ông Nghĩa cho hay, hiện nay, đối với việc hoàn thuế GTGT, có quy định là các thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên đều phải thực hiện qua ngân hàng. Khi DN kê khai, cơ quan thuế có thể dễ dàng xác minh các giao dịch mua bán là có thật, không phải là giao dịch giả vì có hóa đơn thanh toán từ phía các ngân hàng. Thực tế, việc trốn thuế qua hóa đơn, chứng từ giả thường được các DN thực hiện qua việc mua hóa đơn giả với giá trị rất thấp so với giá trị được thể hiện trên hóa đơn. Khi quy định giao dịch qua ngân hàng, các công ty ma và hóa đơn giả không còn đất sống. Chính bởi lẽ đó, ông Nghĩa đề nghị đối với loại hình Thuế Thu nhập DN, Nhà nước cũng cần có quy định các giao dịch mua bán phải được thực hiện thanh toán qua các ngân hàng. Làm được điều này, cơ quan thuế sẽ giảm bớt đi áp lực rất nhiều trong công tác hoàn thuế...Chốt lại các nội dung giám sát, ông Trần Thế Vượng cho biết, sẽ có những ý kiến với Chính phủ về các quy định trong cơ chế “một cửa”; xem xét, bổ sung các quy định trong việc hoàn thuế để lấp các lỗ hổng, chống thất thu tối đa nguồn ngân sách Nhà nước: “Cần nghiên cứu thêm về cơ chế một cửa vì thực tế đầu vào cơ quan thuế cũng đã có đến 3 cửa, đến trực tiếp cơ quan thuế, đến qua đường bưu điện và đến bằng đường điện tử qua các công ty viễn thông...” - ông Vượng nhấn mạnh.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên