Hoạt động khai thác có nhiều chuyển biến tích cực; công tác bảo đảm an toàn trong khi khai thác được giám sát chặt chẽ; tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác gây ra được giảm thiểu; tích cực hỗ trợ địa phương và người dân quanh vùng khắc phục hậu quả do khai thác; tình hình khiếu nại do khai thác ít xảy ra… Đó là những kết quả sơ bộ về hoạt động khai thác đá được Ban Quản lý (BQL) Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp cho biết tại buổi đánh giá hoạt động quản lý khai thác năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ hoạt động trong năm 2013 mới đây…
Khai thác đi vào nề nếp
Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp được UBND tỉnh tái cấp phép cho 4 đơn vị là Công ty Cổ phần Khoáng sản & Xây dựng Bình Dương, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 3-2, Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Dương và Công ty Cổ phần Trung Thành khai thác lại từ năm 2009. Sau khi được tái cấp phép, sự hình thành mô hình tự quản thông qua việc thành lập Ban quản lý Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, một mô hình mới, đã đưa hoạt động khai thác khoáng sản tại đây đi vào nề nếp hơn so với trước đây. Ban quản lý cụm mỏ được hình thành trên cơ sở có sự tham gia của các đơn vị khai thác nhằm giám sát, kiểm tra hoạt động theo thiết kế, giám sát an toàn và các biện pháp xử lý môi trường trong quá trình khai thác, nổ mìn, chế biến và vận chuyển thành phẩm trong toàn bộ khu vực mỏ dưới sự điều hành của BIMICO.
Xả nước vào đá nguyên liệu trước khi đưa vào chế biến xay nghiền, nhằm giảm thiểu nguồn bụi gây ô nhiễm môi trường
Đối với công tác giám sát khai thác theo thiết kế, BQL mỏ đã lập các mặt cắt chuẩn của các đoạn bờ dừng và cắm mốc để các đơn vị làm cơ sở thiết kế các bãi bắn. Việc khoan bờ dừng phải có xác nhận từ Ban quản lý mới được thi công… Việc nổ mìn khai thác cũng được BQL thực hiện giám sát chặt chẽ, thống nhất phương án cảnh báo, hiệu lệnh chỉ huy nổ mìn và phát lệnh khởi nổ; giám sát hộ chiếu nổ mìn ở bãi khoan, bờ dừng; điều chỉnh khu vực nổ mìn; chủ trì giám sát chấn động nổ mìn cũng như thử nghiệm vật liệu nổ mới…
Ô nhiễm môi trường giảm thiểu
Cũng theo BQL Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, do khu vực mỏ đá nằm trong khu vực nhạy cảm, gần khu dân cư (xã Hóa An, tỉnh Đồng Nai và phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An) nên trong quá trình khai thác, công tác giám sát bảo vệ môi trường (BVMT) luôn được đặt lên hàng đầu, coi đó như là một nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Để làm tốt công tác này, BQL đã thực hiện đánh số các máy xay nghiền của các đơn vị khai thác nhằm giám sát và xử lý trực tiếp nếu xay nghiền gây bụi. Đá nguyên liệu đưa từ mỏ lên khu vực chế biến đều được phun nước trước khi đem xay, nghiền; bụi cũng được xử lý trong quá trình xay; tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại, ký quỹ môi trường. Tại khu vực khai thác, các bể lắng được hình thành nhằm xử lý nguồn thải ngay tại chỗ, tránh nguy cơ nguồn thải phát tán ra ngoài khu vực mỏ, chảy vào các khu dân cư
Bên cạnh đó, BQL cũng đã tổ chức xây dựng, nâng cấp đường vận chuyển bằng bê tông cốt thép, biên chế công nhân quét dọn đường, thu gom đá rơi vãi, trang bị thêm các xe xịt nước rửa đường chuyên nghiệp, phun nước dọc tuyến đường vận chuyển (quốc lộ 1K) và bãi chế biến… nhằm hạn chế tối đa nguồn gây bụi ra môi trường xung quanh. Công tác bảo vệ môi trường được BQL mỏ giám sát chặt chẽ đã góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực trong qua trình khai thác đối với môi trường. Theo đánh giá, kể từ khi được tái cấp phép khai thác trở lại, tỷ lệ khiếu nại, khiếu kiện của người dân quanh vùng đã giảm đi rất nhiều do công tác BVMT đã được bảo đảm tốt hơn so với thời điểm trước.
Tích cực hỗ trợ địa phương
Mỗi năm, Cụm mỏ Tân Đông Hiệp sử dụng hơn 1.000 tấn thuốc nổ các loại song chưa xảy ra tai nạn và sự cố trong khoan nổ mìn phá đá; chấp hành nghiêm chỉnh việc quản lý, sử dụng vật liệu nổ và được các đoàn kiểm tra đánh giá tốt
Trong quá trình khai thác, việc gây ra những tác động đến môi trường và sinh hoạt của người dân quanh khu vực mỏ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, dưới sự điều hành của BQL Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, công tác dân vận đã được thực hiện tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị khai thác thông qua các chương trình hỗ trợ, khắc phục những tác động từ hoạt động khai thác gây ra. Các công ty trong khu vực mỏ đã chủ động hỗ trợ làm đường ống nước sạch cho các hộ dân, xây dựng nhà văn phòng quản lý khu phố, hỗ trợ các hoạt động của chính quyền, duy tu sửa chữa đường, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo.
Trong năm 2012, BQL đã thực hiện thi công hoàn thiện hệ thống đường nước sạch cho các hộ dân tổ 8, 9, 10, 15, 17 khu phố Tân An, tổ 27, khu phố Đông An, với tổng chi phí trên 590 triệu đồng; ủng hộ kinh phí làm đường, lắp giàn máy vi tính cho khu phố Tân An, hỗ trợ cho phường, khu phố hơn 500m3 đá sửa chữa đường giao thông. Các công ty cũng đã hỗ trợ trực tiếp tiền ảnh hưởng bụi cho các hộ dân gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 3-2 đã cùng khu phố, phường và các hộ dân khảo sát việc nứt nhà, thống nhất việc xử lý hỗ trợ cho 17/18 hộ, tổng số tiền hỗ trợ trên 33 triệu đồng. Công ty Cổ phần Khoáng sản & Xây dựng Bình Dương còn tổ chức khám, chữa bệnh định kỳ và cấp phát thuốc miễn phí cho trên 100 hộ dân, kéo điện lưới sinh hoạt với kinh phí trên 115 triệu đồng…
Tuy vậy, cũng theo BQL Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, trong quá trình quản lý khai thác, một số hạn chế vẫn còn bộc lộ. Theo đó, vẫn còn có đơn vị khai thác vi phạm thiết kế; công tác xử lý môi trường chưa triệt để, còn để bụi phát tán vào khu vực dân cư, vận chuyển rơi vãi trên đường, gây thắc mắc, khiếu nại từ người dân. Đặc biệt, tỷ lệ trồng cây xanh quanh khu mỏ chưa đáp ứng đúng tiêu chuẩn… Đây là những hạn chế sẽ được BQL tập trung giám sát nhằm điều hành các đơn vị khai thác chấn chỉnh, khắc phục trong năm 2013.
GIÁM ĐỐC SỞ TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG PHẠM DANH: “Sẽ xem xét gia hạn giấy phép khai thác”
Đánh giá về hoạt động khai thác đá tại Cụm mỏ Tân Đông Hiệp, tôi cho rằng việc hình thành BQL với hình thức tự quản, tự giám sát lẫn nhau đã giúp tình hình quản lý khai thác có nhiều chuyển biến hơn trước kia. Tuy nhiên, để hoạt động khai thác tiếp tục đi vào nề nếp, yêu cầu các đơn vị khai thác cần khắc phục các hạn chế về công tác quản lý khai thác theo thiết kế, công tác BVMT, đặc biệt là phải tính toán để khôi phục lại cảnh quan môi trường sau khi khai thác kết thúc. Cần tính toán các phương án phát triển khu vực mỏ sau khi đóng cửa, tận dụng vị trí “kim cương” với tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên và cửa ngỏ mới của Bình Dương sau này để thành lập các dự án đầu tư. Về việc gia hạn thêm thời gian khai thác đến năm 2015, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ xem xét để trình UBND tỉnh gia hạn thêm việc khai thác xuống độ sâu nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên. Tuy vậy, việc gia hạn khai thác sẽ được xem xét cụ thể đối với từng đơn vị, căn cứ theo khả năng cũng như việc tuân thủ, chấp hành tốt các quy chuẩn trong quá trình khai thác.
Hoạt động khai thác có nhiều chuyển biến tích cực; công tác bảo đảm an toàn trong khi khai thác được giám sát chặt chẽ; tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác gây ra được giảm thiểu; tích cực hỗ trợ địa phương và người dân quanh vùng khắc phục hậu quả do khai thác; tình hình khiếu nại do khai thác ít xảy ra… Đó là những kết quả sơ bộ về hoạt động khai thác đá được Ban Quản lý (BQL) Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp cho biết tại buổi đánh giá hoạt động quản lý khai thác năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ hoạt động trong năm 2013 mới đây…
TỔNG GIÁM ĐỐC BIMICO TRẦN ĐÌNH HẢI: “Khai thác mà để lại hậu quả rồi bỏ chạy là hèn…!”
Hoạt động khai thác tại Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp thông qua mô hình tự quản đã phát huy hiệu quả, nhưng thực tế vẫn không tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, chưa có chế tài xử phạt, chỉ vận động, giám sát lẫn nhau. Vì vậy, để thực hiện quản lý khai thác tốt hơn cần khắc phục sao cho mô hình tự quản hoạt động một cách độc lập tương đối. Trong quá trình khai thác phải tính đến các phương án phục hồi. Việc phục hồi lại môi trường là rất quan trọng, do đó các đơn vị khai thác phải tính toán để thực hiện ngay từ bây giờ song song với quá trình khai thác chứ không phải chờ đến khi đóng cửa mỏ mới làm. Nếu anh khai thác mà để lại hậu quả rồi bỏ chạy là hèn…!
ĐÀM THANH (ghi)
THÀNH SƠN