Cùng chắp cánh “ước mơ hoàn lương”...

Cập nhật: 24-05-2023 | 13:26:36

 Đã trả giá cho hành vi phạm tội bằng những năm tháng thanh xuân, giờ đây các nữ phạm nhân có chung một ước mơ là được trở về, hòa nhập cộng đồng và lo cho con cái “không đi sai đường như mẹ”... Và họ đã được nhiều người giúp đỡ cho ước mơ sớm thành hiện thực.

 Bà Huỳnh Thị Thúy Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh tặng quà cho nữ phạm nhân cải tạo tốt

 Mong về bên tổ ấm

Tại Phân trại số 1, Trại giam An Phước - Bộ Công an (đóng tại huyện Phú Giáo), tôi đã có dịp tâm tình cùng họ, những nữ phạm nhân cải tạo tốt. Nguyễn Thị L. kể về tội danh của mình với nụ cười chua chát cho một thời lầm lỡ: “Em bị phạt tù hơn 11 năm về tội trộm cắp tài sản. Trước đó em cầm đầu một băng nhóm chuyên “đá nóng” xe máy. Em đã chấp hành án hơn 7 năm rồi. Em ao ước từng ngày được ra tù làm lại cuộc đời. Nhà em đông anh em, nhưng chỉ có mình em hư hỏng, làm buồn lòng ba mẹ. Sau này trở về với gia đình, em nguyện sống những tháng ngày xứng đáng nhất của cuộc đời để người thân không phải tủi hổ vì mình nữa”.

L. cho biết sau khi chấp hành xong án tù và trở về, chị có thể bán hàng ăn uống vì có tài bếp núc hoặc kinh doanh mua bán nhỏ. Hơn 7 năm là thời gian quá đủ để L. nhận ra lỗi lầm của mình.

Lê Thị T.D. (27 tuổi, quê Trà Vinh) cho biết năm 2015 chị lên tỉnh Bình Phước làm công nhân. Đến năm 2018 thì bị bắt vì mua bán, sử dụng ma túy. D. bị tuyên án 7 năm tù, giờ cũng đã chấp hành gần 5 năm tại Trại giam An Phước. Mong muốn lớn nhất của chị là về nhà kiếm việc làm lo cho ba mẹ đã lớn tuổi. Trong khi đó chị Nguyễn Thị B. (quê Thanh Hóa, hộ khẩu Bình Phước) thì “vào trại” năm 2019 cùng tội danh mua bán, sử dụng ma túy. “Con gái em nay đã 11 tuổi. Ngày em bị bắt, con em về ở với bà ngoại. Giờ ước mơ lớn nhất của em là lo cho con gái được học hành tử tế. Chỉ có học mới thoát khỏi sự cám dỗ như mẹ nó. Điều em lo sợ nhất là sự kỳ thị, ánh mắt ghẻ lạnh của người thân, người đời dành cho em khi tái hòa nhập cộng đồng. Mong ước của em là hiểu biết hơn về pháp luật, được tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương giới thiệu việc làm, cho vay vốn để làm ăn nuôi con”, chị Nguyễn Thị B. chia sẻ thật tình như vậy.

Được lắng nghe, giúp đỡ

Trung tá Nguyễn Thị Dung, Phó trưởng Phân trại số 1, Trại giam An Phước, cho biết: “Để giúp nữ phạm nhân, chúng tôi phải mềm mỏng, biết lắng nghe và giúp đỡ khi họ cần. Với những người vào trại vẫn được gia đình quan tâm, nhiều lần đến thăm sẽ được an ủi rất nhiều. Những trường hợp bị gia đình, người thân từ chối rất đáng thương và rất cần được giúp đỡ. Chúng tôi chú trọng đến những đối tượng này để tìm hiểu, hỗ trợ. Nhờ thế họ dần bớt đi mặc cảm, hợp tác và hòa đồng hơn, cùng nhau cải tạo tốt để sớm được hòa nhập với cộng đồng”.

Trong năm qua, Trại giam An Phước cũng đã cung cấp danh sách 19 phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, phạm nhân nữ sắp chấp hành xong án phạt tù cho Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) tỉnh và Hội Liên hiệp Thanh niên (Hội LHTN) tỉnh để có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật, định hướng về nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho họ sau khi về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng.

Theo đánh giá từ Công an tỉnh, việc thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Hội LHPN, Công an, Hội LHTN tỉnh và Trại giam An Phước về tổ chức giáo dục, cải tạo phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, phạm nhân nữ và giúp đỡ những thanh niên, phụ nữ trước đây là phạm nhân, trại viên tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2021- 2026 được thực hiện khá tốt. Trong thời gian qua, các đơn vị đã ký kết xây dựng các chương trình hỗ trợ cho phạm nhân là thanh niên, phụ nữ đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Công an tỉnh phối hợp Trại giam An Phước tuyên truyền giáo dục pháp luật, định hướng về nghề nghiệp, việc làm cho phạm nhân sau khi về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức nhiều chuyên đề nói chuyện với hàng trăm phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù tham gia. Các nội dung tuyên truyền giáo dục, tư vấn pháp luật về bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường bộ... Bên cạnh đó, các ban ngành còn giáo dục, tư vấn về tái hòa nhập cộng đồng, như: Kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng, kỹ năng tìm kiếm việc làm, giới thiệu việc làm cho phạm nhân.

Theo bà Huỳnh Thị Thúy Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, các đơn vị còn tặng quà, sách, phát khoảng 3.000 tờ rơi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho tập thể phạm nhân tìm hiểu. Các buổi nói chuyện của chuyên gia tâm lý đã khơi dậy niềm tin, nghị lực cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù phấn đấu vươn lên tái hòa nhập cộng đồng. Hội LHPN tỉnh cũng đã tổ chức nói chuyện chuyên đề cho 300 nữ phạm nhân với chủ đề “Không bao giờ từ bỏ”; thăm và tặng quà 8 cháu nhỏ trong nhà trẻ của trại giam; tặng 300 phần quà cho nữ phạm nhân trị giá trên 150 triệu đồng... Ngoài ra cũng kể đến sự hỗ trợ của các đơn vị đồng hành với Hội LHTN tỉnh, để giúp phạm nhân có thêm nghị lực đi tới ước mơ hoàn lương.

Còn nhiều nữa những chương trình ý nghĩa mà các đơn vị phối hợp cùng Trại giam An Phước, những tổ chức, cá nhân dành cho những phạm nhân ở đây. Chúng tôi cũng gặp nhiều người đến từ các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Long An, TP.Hồ Chí Minh... đến đây trong những chương trình tình nguyện tặng sách, nhu yếu phẩm cho phạm nhân. Những việc làm tuy nhỏ nhưng khơi gợi lên suy nghĩ, tình cảm tích cực để giúp phạm nhân hướng thiện.

Đồng hành cùng ước mơ hoàn lương năm 2023

 Công an tỉnh vừa phối hợp cùng Hội LHPN tỉnh, Hội LHTN tỉnh và Trại giam An Phước - Bộ Công an tổ chức chương trình “Đồng hành cùng ước mơ hoàn lương” năm 2023. Chương trình là một trong những hoạt động thiết thực giúp phạm nhân sau khi ra tù có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là dịp để lãnh đạo trại giam, cán bộ quản giáo lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các phạm nhân để có kế hoạch giáo dục, cải tạo phù hợp, đồng thời tư vấn các kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân.

Dịp này, các đơn vị phối hợp đã triển khai mô hình văn hóa đọc trong trại giam; tặng 1.500 cuốn sách về kỹ năng sống (ảnh) và tặng 30 phần quà động viên các phạm nhân cải tạo tốt, sớm được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật để tái hòa nhập cộng đồng.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1475
Quay lên trên