Kỳ 1. Trăm hoàn cảnh, vạn nỗi đau
Kỳ 2: Hãy chia sẻ cùng họ
Có dịp đến thăm nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam (CĐDC), điều đáng mừng là đa phần họ đều có cuộc sống trung bình trở lên và 472 gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng được tỉnh kịp thời chăm lo, giúp họ ổn định cuộc sống.
Gia đình ông Nguyễn Đình Chiến (phường Phú Hòa, TX.TDM) hàng ngày tập trung chăm sóc cho anh Thắng vì anh bị nhiễm nặng CĐDC
Vượt qua mọi hoàn cảnh
Thăm hỏi nhiều gia đình, chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng phần nào khi đến tìm hiểu cuộc sống của gia đình bà Lê Thị Tuyết ở khu 2, phường Phú Lợi (TX.TDM). Đã 67 tuổi nhưng bà Tuyết rất khỏe để mỗi ngày chăm sóc cho người con bất hạnh Lê Hoàng Sơn, 44 năm hứng chịu CĐDC/dioxin từ cha. Vừa bán thuốc tây, vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đau lòng này. Chồng bà là ông Lê Hoàng A đã mất do trải qua cơn bệnh nặng. Thời chiến tranh, khi làm cách mạng, ông A tham gia kháng chiến đóng ở căn cứ Thanh Tuyền (Dầu Tiếng). Ông ở Ban Quân y, hàng ngày chăm lo sức khỏe cho đồng đội. Còn bà cũng gặp ông trong thời kỳ kháng chiến. Đến năm 1967, bà sinh ra anh Sơn rồi chuyển về nhà cho gia đình nuôi hộ. Sau 4 tháng trở về, thấy con mình không phát triển, bà quyết định đem con trở vào căn cứ.
Bà kể tiếp, từ ngày mang thai đến sinh Sơn ra, đúng là lúc đế quốc Mỹ tập trung rải chất độc hóa học thật nhiều. Nói là căn cứ cách mạng, nhưng đó chỉ là cái chòi nhỏ để cán bộ, chiến sĩ ẩn náu... “Chính vì lẽ đó mà Sơn nhiễm CĐDC nặng nhất trong khi những người con còn lại không bị gì. Nói thế chứ nó vẫn còn biết nói bập bẹ và hiểu mình làm gì khi cần thiết” - bà cho biết. Gia đình bà Tuyết hiện rất ổn định, bởi những người con còn lại đều làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Bà thì bán thuốc tây cộng với lương hưu và mức trợ cấp của anh Sơn (600.000 đồng) cũng đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày.
Phường Phú Lợi hiện có 68 hộ gia đình với 86 người bị nhiễm CĐDC/dioxin. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Dân, Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết toàn phường có 59 hộ bị nhiễm CĐDC có cuộc sống trung bình khá trở lên, còn lại là 9 hộ có hoàn cảnh tương đối khó khăn. Để các hộ khó khăn ổn định cuộc sống, ngoài chế độ trợ cấp, phường còn chăm lo cho họ bằng việc cứu tế đột xuất, thăm nom, tặng quà mỗi khi lễ, tết.
Đến với họ nhiều hơn...
Không chỉ ở phường Phú Lợi mà các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều tích cực chăm lo đến gia đình bị nhiễm CĐDC/dioxin. Một trong những chương trình lớn đó là dự án “Ngân hàng bò” do Hội Người Việt Nam tại Ukraina tài trợ thông qua Chương trình “Cuộc sống vẫn đẹp tươi” và sắp tới đây sẽ có 50 con bò, tổng trị giá 350 triệu đồng trao tặng cho 50 gia đình có người khuyết tật, nạn nhân CĐDC. Cái đáng quý nhất là để có điều kiện chăm lo đời sống cho nạn nhân CĐDC, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin còn thành lập Quỹ Hỗ trợ nạn nhân với khoảng 700 triệu đồng được vận động từ các tổ chức, cá nhân, tấm lòng vàng. Ông Lê Văn Trí, Ủy viên Thường vụ, Thư ký hội, cho biết thời gian qua, hội đã sử dụng xây tặng 5 căn nhà cho nạn nhân CĐDC gặp khó khăn về nhà ở...
So với các địa bàn khác, Bình Dương chưa phải là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc chiến hóa học do Mỹ gây ra. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của CĐDC đến người dân vô tội là rất lớn, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt, học tập, tước đi cơ hội được sống bình thường của trẻ em và gia đình.
Để góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các gia đình nạn nhân CĐDC, nên chăng Bình Dương tiếp tục vận động tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp ưu tiên nhận họ vào làm việc ở những vị trí đơn giản, ít đòi hỏi thời gian hoặc kỹ năng phức tạp. Đồng thời có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện vay vốn, giúp họ tự tổ chức các họat động sản xuất - kinh doanh và xây dựng Quỹ tương thân tương ái để họ có thêm điều kiện vật chất chăm sóc và chữa trị bệnh tật.
MAI HUY