Y dược cổ truyền là tài sản quý của nền y học dân tộc. Nền y dược cổ truyền (YHCT) đã có từ lâu đời, gắn liền với sự phát triển truyền thống văn hóa dân tộc, có vai trò và tiềm năng lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Và tại Bình Dương, có một bảo tàng YHCT đang bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị của nền YHCT Việt Nam với tên gọi là Bảo tàng dược học cổ truyền Việt Nam - Fito (phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An).
Du khách tham quan tại Bảo tàng Fito
Nằm trên địa phận phường Vĩnh Phú (TP.Thuận An) tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh, Bảo tàng Fito với một dãy tường khá dài, mái ngói cổ kính rất dễ nhận ra. Bảo tàng được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ với vô số họa tiết tinh xảo, tạo nên một vẻ cổ kính và cực kỳ ấm cúng. Tại đây, bảo tàng đã tái hiện lại hình ảnh, mô tả rõ nét hiện vật cũng như tranh khắc để người xem có thể hình dung được tất cả các hoạt động của các vị lương y, thái y xưa từ việc khám chữa bệnh, trị bệnh đến bốc thuốc, sắc thuốc.
Không chỉ ấn tượng bởi kiến trúc hoài cổ, rộng lớn và uy nghiêm, Bảo tàng Fito còn tạo cảm giác dễ chịu, yên bình khi thoảng bay trong gió những hương thơm thảo mộc. Nội thất của bảo tàng được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ sơn nhũ vàng, tranh giả sơn son thếp vàng thời xưa cùng nhiều họa tiết. Một điều quan trọng làm nên giá trị của Fito là ở đây lưu giữ hơn 3.000 hiện vật quý hiếm liên quan đến ngành YHCT Việt Nam từ thời đồ đá cho đến hiện tại. Trong đó có thể kể đến bộ sưu tập dao cầu, thuyền tán với tuổi đời 2.500 năm dùng để tán thuốc, cắt thuốc. Tại đây có cả một kho tàng sách Hán - Nôm đồ sộ với hơn 100.000 trang. Trong đó có nhiều cuốn sách quý như “Y tông tâm tĩnh” hay “Nam dược thần hiệu” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Vị trí trang trọng nhất trong bảo tàng là nơi đặt bàn thờ hai vị tổ ngành y là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông. Hai bên là các bức hoành phi, câu đối bằng gỗ sơn son thếp vàng giống như những bàn thờ tổ tiên các gia đình khá giả xưa. Độc đáo hơn, Fito còn có mô hình “Ngôi nhà thuốc nam” với rất nhiều vị thuốc nổi tiếng. Nhà thuốc Lục Hòa Đường (Chợ Lớn) khoảng thế kỷ XIX cũng được tái hiện chi tiết theo mô hình “tiệm thuốc bắc”. Ấn tượng nhất có lẽ là bức tranh xà cừ mô tả “Y học cổ truyền trong cuộc sống cộng đồng người Việt” cùng với phố thuốc bắc, chợ Bến Thành, kinh thành Huế và cuối cùng là Hồ Gươm. Bức tranh này đã được ghi danh vào sách Kỷ lục Guinness Việt Nam.
Không chỉ lưu giữ nhiều hiện vật, hình ảnh, bài thuốc giá trị, bảo tàng còn được đánh giá là nơi có nhiều khung cảnh bố trí đẹp, ấn tượng. Vì vậy, ngày nay nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ thường tìm đến để tìm hiểu, nghiên cứu và lưu lại những bức ảnh hoài cổ, niềm tự hào về nền YHCT Việt Nam.
Hướng đến kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), mời quý độc giả đón xem tập tiếp theo chương trình “Tôi yêu Bình Dương” để khám phá những nét độc đáo, tìm hiểu những giá trị lịch sử, hiểu rõ hơn về ngành y Việt Nam cũng như những yếu tố nhân văn cốt lõi mà nghề thuốc mang lại. Chương trình do Báo Bình Dương thực hiện, sẽ phát vào lúc 6 giờ sáng chủ nhật (ngày 26-2) tại địa chỉ: www.baobinhduong.vn.
MINH HIẾU