Cuộc đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính với CNVCLĐ Quảng Ninh, do LĐLĐ Quảng Ninh tổ chức vào chiều 18.1, nhân ĐHCĐ Quảng Ninh nhiệm kỳ 12 sắp khai mạc - là cuộc đối thoại lần thứ 2 giữa người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh với người lao động của địa phương trong vòng 1 năm qua.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính trò chuyện với người lao động bên lề cuộc đối thoại.
Đã có một số kết quả tích cực từ cuộc đối thoại lần 1, nhưng quan trọng hơn, từ cuộc đối thoại lần 1, các cấp Đảng ủy, chính quyền Quảng Ninh đã nỗ lực “xắn tay” cùng với công đoàn các cấp chăm lo cho NLĐ.
Cuộc đối thoại lần 2
Cuộc đối thoại lần này tập trung vào nội dung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mà theo bà Đỗ Thị Lan – Chủ tịch LĐLĐ Quảng Ninh – là nhằm giúp các bên, gồm chính quyền, DN, CĐ, NLĐ, định vị lại mình để mỗi bên có kế hoạch phấn đấu trong nhiệm kỳ đại hội 2013 -2018.
Khoảng 500 đại biểu đại diện cho gần 350.000 CNVCLĐ Quảng Ninh đặt 8 nhóm vấn đề liên quan tới chủ đề trên cho Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính. Theo ông Chính, việc chuyển đổi nghề để đáp ứng mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015 thì không khó, nhưng chuyển dịch để có đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu của một tỉnh công nghiệp - dịch vụ vào năm 2020 là một nhiệm vụ nặng nề. Bởi, Quảng Ninh phấn đấu để trở thành một tỉnh mạnh về dịch vụ biển, hậu cần, du lịch, thương mại biên giới...
Nhằm giải quyết thách thức trên, Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính chia sẻ với CNVCLĐ: Quảng Ninh đã thống nhất với Bộ GDĐT về việc mở trường đại học đa ngành tại Quảng Ninh; thống nhất với Bộ LĐTBXH mở trường đào tạo nghề... Năm 2013, dù cắt giảm ngân sách chi tiêu, nhưng Quảng Ninh vẫn dành khoảng 20 tỉ đồng để giúp đào tạo mới, đào tạo lại đội ngũ CB quản lý ở trong và ngoài nước.
“Tuy nhiên, chính sách đào tạo, việc chuyển đổi nghề có thành công hay không còn phụ thuộc vào chính lực lượng lao động. Chủ trương, chính sách đúng, nhưng NLĐ không tích cực, tự giác cũng sẽ thất bại” – ông Chính nhắn nhủ CNVCLĐ Quảng Ninh.
Tại cuộc đối thoại, vấn đề “nóng” không chỉ ở Quảng Ninh, mà còn trên phạm vi toàn quốc tuần qua - việc lần đầu thi tuyển lãnh đạo cấp sở - cũng được CNVCLĐ đặt ra với người đứng đầu Đảng bộ tỉnh. “Muốn lên chức thì phải thi. Đó sẽ là quy trình “cứng” trong công tác cán bộ thời gian tới ở tất cả các cấp, các ngành, thay cho việc bổ nhiệm như lâu nay” – lời khẳng định của Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt.
Cả guồng máy cùng khởi động
Theo bà Đỗ Thị Lan: “Đối thoại như thế vừa thể hiện trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất của địa phương với đội ngũ CNVCLĐ, vừa là cơ hội để CNVCLĐ phát huy quyền làm chủ của mình: Được đề đạt nguyện vọng, được góp ý vào các chủ trương, định hướng phát triển của địa phương”.
Đã có những chuyển biến từ cuộc đối thoại lần thứ nhất: Nhiều vấn đề NLĐ kiến nghị đã được giải quyết hoặc tiếp tục được tháo gỡ bằng những chương trình, nghị quyết cụ thể. Từ đề xuất của một công chức về việc đào tạo nghề thủy sản, đến nay, theo Bí thư Phạm Minh Chính, trường Đại học Nông – Lâm Đông Bắc đã mở thêm một khoa đào tạo về ngành này.
Từ những kiến nghị quan tâm vấn đề nhà ở cho NLĐ, HĐND tỉnh QN đã thông qua kế hoạch xây dựng nhà ở, trong đó có nhà ở cho CNLĐ, theo mô hình liên kết: Nhà nước cấp đất, DN bỏ tiền xây, NLĐ bỏ tiền mua hoặc thuê với giá ưu đãi. Đặc biệt, với vấn đề nhà ở cho lao động ngành than. Bí thư Phạm Minh Chính thống nhất với lãnh đạo Vinacomin kiến nghị với các bộ, ngành trung ương cho phép ngành than trích 1USD/tấn than để xây nhà cho NLĐ; đồng thời yêu cầu Cty kinh doanh bất động sản của Vinacomin dừng tất cả các dự án bất động sản thương mại, tập trung xây nhà cho công nhân ngành than.
Bà Đỗ Thị Lan cho biết, một trong những kết quả khả quan nhất: từ khi Bí thư Tỉnh uỷ vào cuộc cùng công đoàn là UBND tỉnh và LĐLĐ Quảng Ninh đã thống nhất phối hợp công tác toàn diện và hiệu quả hơn. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các DN trực thuộc tích cực tham gia, ủng hộ các hoạt động của CĐ trên nhiều lĩnh vực và phong trào CNVC Quảng Ninh trong khó khăn, vẫn không ngừng lớn mạnh.
Thành công của LĐLĐ Quảng Ninh nhiệm kỳ 2008 -2013 trên các bình diện: Bảo vệ được quyền lợi chính đáng cho NLĐ; phát triển tốt tổ chức CĐCS; hỗ trợ có hiệu quả đời sống CNVC nghèo... cũng chính là thành công về đường lối lãnh đạo của Đảng bộ QN đối với tổ chức CĐ. Những cuộc đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy với công nhân QN do CĐ tổ chức chính là sự “tiếp lửa” cho mỗi NLĐ và CĐQN không ngừng đi tới.
Theo Lao Động