Cùng lao động từ Libya về vượt qua khó khăn

Cập nhật: 03-04-2011 | 00:00:00

Nhiều phương án hỗ trợ, đặc biệt là các cơ hội việc làm với mức lương khá hấp dẫn đang chờ đón họ

 

Chiếc tàu chở hơn 1.100 lao động cuối cùng của Việt Nam trở về từ Libya dự kiến sẽ cập cảng Cái Lân, Quảng Ninh vào rạng sáng 4-4. Rất nhiều người, đặc biệt là nhiều cơ hội việc làm và các phương án hỗ trợ đang chờ đón họ.

 

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tổng số lao động có hợp đồng, hồ sơ quản lý của Việt Nam tại Lybia là hơn 10.000 người. Trước khi số lao động này trở về nước an toàn thì Chính phủ, Bộ LĐTBXH và các cơ quan chức năng đã “tính” đến những bước chuẩn bị để hỗ trợ và giải quyết việc làm cho họ. Ngay sau chuyến chuyên cơ cuối cùng chở người lao động làm việc ở Libya đã về nước an toàn vào sáng 9-3, Bộ trưởng LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định: “Bộ sẽ yêu cầu các đơn vị cung ứng lao động tạo điều kiện ưu tiên cho lao động về từ Libya có nhu cầu đi làm việc ở các thị trường khác trong thời gian tới”.

 

 Phan Sơn Tùng đang làm việc tại Công ty Sen vòi Viglacera 

Đối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, Cục Quản l‎ý lao động ngoài nước đã tổng hợp thông tin cụ thể để người lao động từ Libya vừa về nước theo dõi và lựa chọn công việc phù hợp với khả năng.

 

Theo đó, có khoảng 10 doanh nghiệp thông báo muốn tuyển dụng lao động Việt Nam từ Libya về nước. Cục Quản l‎ý lao động ngoài nước đã họp với các doanh nghiệp này để thống nhất quy trình tuyển dụng.

 

Được biết, trong số hơn 10.000 lao động trở về, 70% trong độ tuổi từ 21 - 30; 20% trong độ tuổi 31 – 40, còn lại 10% trên 40 tuổi. Hơn một nửa trong số lao động trên đã làm việc ở Libya trên 1 năm. Như vậy, có thể thấy phần lớn lao động từ Libya về nước đang trong độ tuổi sung sức và đã có kinh nghiệm làm việc tại Libya, tiếp thu được tác phong làm việc tại nước ngoài.

 

Các Công ty đã bắt đầu tuyển lao động từ Libya, riêng Tổng Công ty Viglacera đã tuyển được một số lao động và họ đã bắt đầu vào làm việc ở Tổng Công ty.

 

Gặp Phan Sơn Tùng (23 tuổi, quê Phú Lương, Thái Nguyên) ở Công ty Sen vòi Viglacera, Tùng kể: Gia đình Tùng có bốn nhân khẩu. Người anh đã lập gia đình, chỉ còn Tùng và cha mẹ làm ruộng, nhà nghèo. Mong cho con có được một tương lai tương sáng hơn, cha mẹ đã vay Ngân hàng Nông nghiệp ở địa phương 30 triệu đồng, cộng thêm 10 triệu đồng dành dụm được, để xin cho Tùng sang Libya làm công nhân điện.

 

Thế nhưng mới chỉ đặt chân đến Libya được hai ngày thì “miền đất hứa” xảy ra bất ổn và Tùng cùng khoảng 400 lao động Việt Nam tại đây đã phải chạy sang Tunisia lánh nạn. Ngày 9-3, anh đã được máy bay của Chính phủ đưa về đến Việt Nam, kết thúc chuyến “du lịch bất đắc dĩ”.

 

“Khi còn ở Libya mọi người cũng lo lắng đến sự an toàn. Nhưng khi sang đến Tunisia, em lại lo không biết về nhà có việc làm không, tiền vay ngân hàng có trả được không?”- Tùng nói.

 

Nhưng ngay khi xuống sân bay Nội Bài, Tùng rất mừng khi được các cán bộ của Tổng Công ty Viglacera đón và phát thông báo tuyển dụng. Theo đó, Viglacera nhận anh vào làm với mức lương đào tạo trong hai tháng là 2,6 triệu/tháng và hỗ trợ thuê trọ 200.000/tháng. Đồng thời trong thời gian học nghề, Tùng làm được sản phẩm nào công ty trả thêm sản phẩm đó. Công ty còn tổ chức cho công nhân ăn bữa trưa miễn phí tại công ty.

 

Ngày 18-3, Tùng đã chính thức nhận quyết định vào làm việc tại Công ty Sen vòi Viglacera, với công việc khá đơn giản là mài và đánh bóng vòi sen. Như vậy, thu nhập của Tùng trong hai tháng học nghề cũng được khoảng 4 triệu/tháng. Sau thời gian học nghề, nếu tiếp tục làm việc tại nhà máy thì lương tối thiểu của Tùng cũng khoảng 5 triệu/tháng.

 

Tùng cho biết, khi ở Libya, công nhân làm điện như Tùng cũng chỉ được trả từ 6 - 8 triệu/tháng tùy tay nghề.

 

Tại Công ty Sen vòi Viglacera, chị Phạm Thị Lan Phương, Phụ trách Phòng Hành chính của công ty cho biết: “Tùng rất ngoan và rất có ý thức làm việc”. Chị còn tin rằng Tùng sẽ có mức lương cao hơn khi kết thúc hai tháng học nghề. Chị Lan cho biết thêm, mức lương công nhân cao nhất tại công ty hiện là 8,6 triệu đồng/tháng.

 

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Phòng Tổ chức của Viglacera cho biết, Tổng Công ty hiện có thể tiếp nhận hơn 1.000 lao động như Tùng vào làm việc. Bà Yến nhận xét: “Những lao động từ Lybia về đều đã qua đào tạo về kỷ luật lao động nên công ty rất muốn nhận”.

 

Giờ đây, Tùng chỉ còn mong muốn Nhà nước can thiệp hỗ trợ để có thể chậm trả nợ cho ngân hàng. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, bộ đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp yêu cầu các ngân hàng chưa đòi nợ lao động. Bộ cũng đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp lên kế hoạch thanh lý hợp đồng cụ thể cho từng lao động. Đồng thời, yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước lên chương trình, thống kê về nhu cầu việc làm của lao động, để có phương án tiếp tục hỗ trợ. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị cung ứng lao động tạo điều kiện ưu tiên cho lao động về từ Libya có nhu cầu đi làm việc ở các thị trường khác trong thời gian tới”.

 

Theo ông Dương Quyết Thắng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tổng dư nợ cho vay để xuất khẩu lao động tại Libya và các khu vực Bắc Phi và Trung Đông là hơn 118.000 tỷ đồng, với 4.874 khách hàng còn dư nợ. Trong đó cho vay đi xuất khẩu lao động tại Libya là hơn 37.000 tỷ đồng, với 1.581 khách hàng còn dư nợ.

 

Ông Dương Quyết Thắng cho biết thêm, ngân hàng đã có hướng xử lý nợ rủi ro cụ thể cho người lao động như sau: Đối với lao động đi xuất khẩu lao động phải về nước trước thời hạn với lý do khách quan đều được xử lý gia hạn nợ, khoanh nợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28-7-2010.

 

Hiện nay, NHCSXH đã chỉ đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố tiến hành các thủ tục lập hồ sơ để xử lý rủi ro theo quy định đối với các trường hợp lao động từ Libya về nước trước thời hạn.

 

Đối với những lao động về nước trước hạn nếu được Bộ LĐTBXH có chủ trương cho đi xuất khẩu tiếp ở các nước khác sẽ được vay bổ sung đi xuất khẩu theo quy định. Trường hợp đào tạo học nghề trong nước được vay chương trình lao động học nghề.

 

Hiện nay việc giải ngân cho các chương trình tín dụng của NHCSXH nói chung đang gặp khó khăn do thiếu hoặc chậm vốn, nay hàng ngàn lao động tại Libya lại về trước hạn chắc chắn sẽ làm căng thẳng thêm nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, NHCSXH đã có những kiến nghị, giải pháp để giám bớt áp lực này. Vì vậy NHCSXH sẽ lập ngay kế hoạch trình Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tăng thêm vốn cho NHCSXH thực hiện huy động trái phiếu để cho vay thêm.

 

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=428
Quay lên trên