Đối với nông dân, công nhân lao động nghèo, đời sống của họ khá nhạy cảm mỗi khi giá cả, lạm phát tăng cao. Song, từ những việc làm thiết thực như tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày, tiết kiệm các khoản chi chưa thật sự cần thiết... một bộ phận không nhỏ công nhân lao động ở Bình Dương đang góp phần tham gia tích cực cùng với Nhà nước chặn đà “bão” giá.
Giá cả hàng hóa tăng cao, người lao động phải tính toán căn cơ cho từng bữa ăn
Kể từ sau Tết Tân Mão 2011, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, rau, thịt, cá... không giảm mà có chiều hướng tăng dần và hiện đã cao hơn rất nhiều so với trước tết. Cùng với đó là việc tăng giá đồng loạt của các mặt hàng xăng, dầu, điện... đã kéo theo giá cả của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo. Đời sống của người lao động nghèo, người làm công ăn lương vì thế đang gặp không ít khó khăn.
Trao đổi với chị Trương Kiều Trinh, 28 tuổi, công nhân Công ty Shyang Hung Cheng, chuyên may gia công giày da (phường An Thạnh, thị xã Thuận An, Bình Dương) trong lúc chị đang tranh thủ giờ tan ca để đi chợ chuẩn bị bữa tối cho gia đình, chị cho biết do giá cả liên tục tăng nên bữa ăn hàng ngày của những gia đình công nhân như chị ngày càng “teo tóp”. Chị Trinh than: “Chất lượng bữa ăn không giảm sao được khi thịt ba rọi trước tết có 45.000 đồng/kg thì nay tăng lên 60.000 đồng/kg. Còn các mặt hàng khác như rau tăng gấp đôi lên 7.000 đồng/kg, gạo cũng tăng từ 4.000 - 8.000 đồng/kg tùy loại”. Còn chị Nguyễn Lan Hương, người bán tạp hóa cho công nhân ở TX.TDM thì than thở: “Nhiều khi dư luận đổ oan cho chúng tôi là tự động tăng giá, mới nghe phong phanh lên lương là tăng giá, chèn ép khách hàng... Oan cho chúng tôi bởi chúng tôi cũng chỉ là người mua đi bán lại các mặt hàng rau, củ và nếu giá đầu vào tăng thì đầu ra chúng tôi không thể không tăng giá. Một kg rau, củ bán cao hơn dù chỉ 200 - 300 đồng là công nhân họ bỏ đi ngay, không mua của mình nữa. Chỗ nào thấy rẻ hơn một chút là người ta vây lại, tranh nhau mua”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Văn Duẩn - một thợ hồ, tạm trú TX.TDM, tâm sự: “Trước đây một phần cơm bụi với 12.000 đồng là tụi em ăn no, nhưng bây giờ một phần cơm phải 18.000 đồng mới bảo đảm no bụng để tiếp tục công việc buổi chiều. Giá cả tăng cao nên tụi em tính tiết kiệm bằng cách sáng dậy sớm nấu nồi cơm, kho mấy miếng cá khô, nấu nồi canh là vừa có bữa ăn sáng cho cả nhà, vừa mang theo cho bữa trưa. Cũng tiết kiệm được ít tiền dành cho việc khác”. Anh Duẩn cho biết thêm, để bồi dưỡng sức khỏe, cuối tuần anh em thợ lại rủ nhau tự đi chợ nấu nồi lẩu đỡ phải đi quán tốn nhiều tiền như trước.
Với đồng lương của công nhân thì cách duy nhất để vượt qua “bão” giá là phải tiết kiệm và tiết kiệm thật nhiều từ việc mua sắm, đến thói quen sinh hoạt hàng ngày. Còn theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, trước tình hình giá cả sinh hoạt tăng cao, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong sản xuất do tình hình lao động biến động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã tìm ra biện pháp ứng phó khá hữu hiệu, đặc biệt là chủ động tăng tiền ăn, tiền lương cho công nhân. Việc làm đó trước hết là bảo đảm sức khỏe của công nhân tại công ty, tạo cho công nhân tâm lý yên tâm làm việc. Song song đó, một số doanh nghiệp còn phát động phong trào tiết kiệm nguyên vật liệu, điện, nước và phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, quy trình lao động nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây là những việc làm tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn, thiết thực góp phần cùng Nhà nước chặn đà tăng của giá cả.
TÂM THƯ