Cùng nhau làm đẹp những con đường, vườn hoa

Cập nhật: 25-11-2022 | 09:30:40

Dự án “Tổng hợp nguồn lực xã hội trong công tác giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn TP.Dĩ An tỉnh Bình Dương” (gọi tắt là dự án) đã góp phần nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen phân loại rác tại nguồn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy trong cộng đồng và xã hội. Tham gia dự án, nhiều chị em đã được hỗ trợ vốn thu mua ve chai; nhiều vườn hoa mọc lên từ bãi rác…


Các chị trong tổ thu mua ve chai ở phường Tân Bình, TP.Dĩ An đang phân loại rác thải tại nguồn

“Thu gom ve chai thân thiện”

Chị Nguyễn Thị Bốn ở khu phố Thắng Lợi 2, phường Dĩ An, TP.Dĩ An vui mừng cho biết chị vừa được cán bộ phụ trách dự án xét cho vay 5 triệu đồng. “Một phần trong số tiền này tôi sửa lại chiếc xe đạp đã quá cũ, còn lại tôi làm vốn thu mua ve chai. Trong giai đoạn khó khăn này, có được đồng vốn không tính lãi đối với người nghèo là rất quý giá. Tôi cùng nhiều chị ở trọ trong khu phố đang làm nghề này rất vui khi được hỗ trợ từ dự án”, chị Bốn xúc động cho biết. Tham gia cộng đồng thu gom rác thải thân thiện và vui vẻ này, chị Bốn còn được dự tập huấn về thu gom, phân loại rác tại nguồn, được trang bị bảo hộ lao động để quá trình làm việc an toàn hơn.

Người phụ nữ này quê ở Thái Bình, vào sinh sống ở TP.Dĩ An đã lâu nhưng hiện vẫn ở trọ. Chồng chị mua bán than củi. Con trai đầu của họ đang học đại học và đi phụ quán cà phê kiếm tiền đóng học phí để ba mẹ bớt phần vất vả. Con út đang học lớp 5. “Hai con ngoan, học giỏi, tôi còn được hỗ trợ vốn để kiếm thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng là mừng lắm rồi”, chị Nguyễn Thị Bốn chia sẻ thêm.

Nói về hiệu quả của dự án ở địa phương, bà Phạm Kim Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Tân Bình, cho biết ở địa phương có 9 chị trong tổ thu mua ve chai được hỗ trợ vốn vay 5 triệu đồng/người. Đây là một trong những quyền lợi từ dự án mà người dân được hưởng và giúp cho cuộc mưu sinh của họ bớt nhọc nhằn.

Dự án “Tổng hợp nguồn lực xã hội trong công tác giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương” do Hội LHPN tỉnh Bình Dương tổ chức điều hành, triển khai từ ngày 21-12-2020 đến 31-12-2022. Kinh phí dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam UNDP-GEF SGP cấp với số tiền 60.000 USD.

Bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết hơn 50% các chị trong số thành viên thu gom rác thải đến từ các tỉnh, thành khác. Ngoài hỗ trợ vốn, dự án còn tặng đồ bảo hộ lao động, xà phòng, nước rửa tay khô, khẩu trang… trị giá hơn 29 triệu đồng. Đối với mô hình hỗ trợ nâng cao nhận thức cho phụ nữ làm nghề thu gom chất thải, Ban Điều hành dự án quyết định thành lập Tổ thu gom phế liệu và cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn TP.Dĩ An gồm 59 thành viên. Khi thời điểm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên địa bàn, nhiều thành viên tổ thu gom phế liệu về quê hoặc chuyển nơi cư trú, dẫn đến số lượng thành viên tổ giảm, đến nay còn 52 người. Ban Điều hành dự án cũng đã tổ chức 10 lớp tập huấn hướng dẫn cho các chị thu gom ve chai; thông tin cho các chị thu gom phế liệu về rác thải và rác thải độc hại, cách bảo vệ sức khỏe khi đi thu gom; duy trì sinh hoạt định kỳ hàng quý các tổ ve chai tại các phường; viết nhật ký thu gom ve chai hàng ngày theo mẫu đã xây dựng…

Quỹ sinh kế có nguồn vốn ban đầu do dự án hỗ trợ là 138 triệu đồng. Mỗi thành viên được vay không quá 5 triệu đồng/người/lần. Thời hạn xoay vòng vốn là 12 tháng. Hiện tại, Quỹ sinh kế của dự án đã giải ngân cho 13 chị làm nghề thu gom phế liệu vay vốn xoay vòng với tổng số tiền 65 triệu đồng. Số tiền vay các chị dành để mua xe đạp và làm tiền vốn mua phế liệu hàng ngày.

Biến bãi rác thành vườn hoa

Chị Trịnh Kim Tiền, Chi hội phó Hội LHPN khu phố Tân Phú 2, phường Tân Bình là một trong 7 thành viên tham gia chăm sóc vườn hoa chi hội. Chị cho biết đây là việc làm mà mọi người cảm thấy rất vui bởi được góp công sức làm cho khu phố xanh, sạch hơn. Phần việc của chị Tiền là bón phân, chăm sóc cây tại vườn hoa hơn 300m2 trước đây vốn là bãi rác. Sáng chủ nhật hàng tuần, các chị ra quân thu gom rác, dọn dẹp cho vườn hoa thật sạch, đẹp. Điều đáng mừng là bà con ở xung quanh cũng hưởng ứng, giữ gìn vệ sinh cho vườn hoa cùng các chị.


Vườn hoa tại phường Dĩ An (1 trong 3 vườn hoa được hình thành từ bãi rác)

Cũng theo bà Trương Thanh Nga, Ban Điều hành dự án đã giao cho Hội LHPN TP.Dĩ An chủ trì phối hợp thực hiện mô hình biến bãi rác thành vườn hoa tại 3 phường Đông Hòa, Dĩ An và Tân Bình với tổng diện tích 614,8m2. Đến nay, Hội LHPN TP.Dĩ An đã hoàn thành 3 vườn hoa các phường này. Các vườn hoa thường xuyên được quét dọn, chăm sóc, trồng thêm cây xanh, hoa, trang bị thêm ghế đá, dụng cụ tập thể dục... góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp, tạo sân chơi cho trẻ em, người dân xung quanh khu vực vườn hoa.

Có một kết quả đáng mừng nữa là đến nay hơn 80% hộ dân tại 3 phường triển khai dự án này đã thực hành phân loại rác tại nguồn. Ban Điều hành dự án đã tổ chức 21 lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn cho các hộ dân khu dân cư Biconsi phường Tân Bình và các hộ dân tại khu đô thị thương mại - dịch vụ Sóng Thần và khu dân cư Đường Sắt 1 phường Dĩ An. Song song đó, chương trình giảm thiểu rác thải nhựa cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như tập huấn giảm thiểu rác thải nhựa; tổ chức các hoạt động như cuộc thi “Chống rác thải nhựa”; hội thảo “Rác - nguồn tài nguyên vô tận”; Ngày hội tái chế - Đổi chất thải lấy sản phẩm thân thiện môi trường… Những hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ môi trường.

“Đến nay, dự án đã hoàn thành việc tuyên truyền, ký 100 bản cam kết giảm thiểu rác thải nhựa tại các nhà hàng, quán ăn; trao tặng các sản phẩm thay thế thân thiện môi trường như ống hút bằng cỏ bàng, túi nylon thân thiện môi trường cho các nhà hàng, quán ăn. Qua đó, góp phần giảm thiểu 150.000 ống hút nhựa, 72.800 túi nylon thải ra môi trường”, bà Trương Thanh Nga cho biết thêm.

Với mô hình kinh tế tuần hoàn, Ban Điều hành dự án đã hoàn thành thiết kế, in ấn và giao lắp đặt 5 panô, 1.000 tờ bướm về mô hình kinh tế tuần hoàn; tổ chức 12 lớp tập huấn mô hình kinh tế tuần hoàn cho 450 giáo viên và học sinh, hướng dẫn học sinh trải nghiệm thực tế mô hình ủ phân compost tại trường Tiểu học Đông Hòa và Tiểu học Tân Bình, bố trí 8 hố ủ phân compost (4 hố/trường) và chuyển giao 300 túi men vi sinh làm phân compost cho 2 trường trên. Đến nay, quá trình ủ phân tại trường đã cho các sản phẩm compost đạt chất lượng, các sản phẩm compost sử dụng bón cho vườn rau tại mô hình thực nghiệm kinh tế tuần hoàn của 2 trường. Hoạt động này còn là bài học trực quan sinh động cho học sinh tại đây.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=731
Quay lên trên