Những ngày lễ kéo dài như dịp 30-4 và 1-5, các điểm du lịch, khu vui chơi trên cả nước đông nghẹt người kéo đến...
Những ngày nghỉ dài không chỉ là dịp để người dân nghỉ ngơi, thư giãn mà còn để kích cầu du lịch, phát triển kinh tế cùng những hiệu ứng xã hội khác, đem lại không khí vui tươi, phấn khởi trên khắp mọi miền.
Lễ hội qua đi, rác ở lại
Thế nhưng, vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp trong mắt người thưởng ngoạn và nhất là du khách nước ngoài. Một tình trạng đã nói nhiều, qua nhiều năm chưa được khắc phục, đó là thói xấu chen ngang, giành giật, xả rác bừa bãi...
Ra bến xe, bến tàu, rất nhiều người Việt không chịu xếp hàng, cứ lấn vào, chen ngang, trong khi mọi người đã có hàng lối. Lúc mua vé hay lên xuống tàu xe cũng cứ giành giật, trong khi đã là đi du lịch thì cần được thư thả, chẳng phải vội vàng. Hơn nữa, việc lên xuống có trật tự cũng là để bảo đảm an toàn du lịch, nhất là với các phương tiện giao thông đường thủy.
Lúc vào nhà ăn cũng vậy, nhất là khi ăn buffet. Nhiều người đã trưởng thành, có vẻ ngoài đạo mạo cũng "lộ diện" là kẻ thiếu văn minh, "lờ" đi những cái nhìn của người khác khi chen ngang và lấy từng đĩa thức ăn tú hụ, ăn không hết, bỏ mứa đầy các bàn…
Xả rác cũng là chuyện dài nhiều tập. Nhiều bãi biển rác từ dưới nước lên bờ, ngập ngụa. Ngay thành phố du lịch mệnh danh là thành phố xanh như Đà Lạt cũng bị du khách xả rác tràn lan, nhiều khu vực bị ô nhiễm nặng. Câu chuyện thác Cam Ly nổi danh một thời phải đóng cửa vì ô nhiễm làm cho người Đà Lạt đeo đẳng nỗi buồn thì tình trạng xâm hại cảnh quan, môi trường, xả rác những năm qua lại dồn dập, tác động đến thành phố này nhiều mặt. Đà Lạt nóng lên, Đà Lạt kẹt xe, quá tải… cùng nhiều hệ lụy khác mà chính quyền và cư dân thành phố này phải đối mặt, giải quyết hằng ngày…
Nhân những ngày nghỉ lễ dài này, hãy cùng nhau ứng xử văn minh, nhất là những người có con nhỏ, đang độ tuổi học sinh. Thực thi ứng xử văn minh cũng là cách dạy con tốt nhất. Khi một việc trong tầm tay chúng ta không làm được thì không thể đòi hỏi ở người khác sự tôn trọng, thiện cảm. Nếu mỗi người Việt đều thể hiện sự tự trọng qua ý thức, quyết tâm thì chuyện xếp hàng, phân loại rác, bỏ rác vào đúng chỗ không phải là chuyện khó với người Việt ta. Lúc đó, đảo Lý Sơn dù chỉ 3.000 chỗ ngủ tại các cơ sở lưu trú nhưng có hơn 12.000 du khách đến dịp này vẫn sẽ thu xếp ổn thỏa bằng việc dân mở lòng, cho vào nghỉ lại và du khách biết giữ gìn vệ sinh cho hòn đảo xinh đẹp này, không để ngập rác sau những đợt nghỉ dài ngày.
Điều cần làm là nên duy trì ý thức này khi trở lại sinh hoạt thường ngày, tạo thành thói quen sinh hoạt cá nhân và cộng đồng văn minh, thân thiện. Nhìn ra bạn bè xung quanh và thế giới rộng lớn hơn để biết mình đang ở đâu, tự hào với 4.000 năm văn hiến thì chắc chắn "con Rồng cháu Tiên" sẽ không để đất nước thụt lùi, từ những chuyện lâu nay nhiều người ngỡ rằng là chuyện nhỏ.
Theo NLĐ