Cuộc chiến không cân sức

Cập nhật: 18-08-2012 | 00:00:00
Để khắc họa nét chân dung mẹ, cuối năm 1999, tôi tìm đến người con trai thứ Bảy (Phan Văn Bảy) của mẹ hiện còn sinh sống ở vùng Tân Phước Khánh. Anh Bảy ở ngoài đồng mới về. Vắt vai chiếc áo không mấy khi mặc, nước da đỏ như đồng cắt cua nói lên anh làm nghề nông, cái nghề một nắng hai sương. Anh chuyện trò cởi mở, câu chuyện chân thực như chính tình cảm  mình.Anh Bảy kể: Bà già tên Phạm Thị Lạch, sinh năm 1904, quê ở Tân Hóa nay là xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên, tỉnh Thủ Dầu Một. Năm 1922, khi 18 tuổi, bà về làm bạn với ba tui tại đất này là ấp Bình Hòa, xã Tân Phước Khánh. Theo cái nghề các cụ để lại, ông bà già tui làm ruộng, nuôi con. Bà già sinh hạ được 5 anh em chúng tui, hiện còn sống đến nay có 2 người là anh Ba tui tên Phan Văn Xuồng và tui là Phan Văn Bảy. Ông Phan chồng mẹ Lạch cũng mất sớm - Tủi phận, mẹ lặn lội thân cò nuôi cái cùng con !... Năm 1946, Ba Xuồng 17 tuổi, mẹ cho anh thoát ly gia đình vào bộ đội suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, Tư Phương 17 tuổi, mẹ cho tham gia hoạt động bí mật  tại quê  nhà. Nhưng sau vì bị lộ nên anh cũng thoát ly gia đình tham gia chống Pháp... * * *Năm 1954: Hiệp định Giơ-ne-vơ đình chiến tại Việt Nam ký kết, hai con trai mẹ Lạch không đi tập kết ra Bắc mà ở lại nằm vùng. Trong buổi đầu cách mạng còn khó khăn, bà Lạch phải tiếp tế nuôi hai con, Ba Xuồng và Tư Phương...Mẹ Lạch cùng đồng bào Tân Phước Khánh đã trải qua một thời kỳ đấu tranh với Mỹ - Diệm đòi quyền dân sinh dân chủ, đòi hiệp thương thống nhất đất nước. Đến thời kỳ xây dựng lực lượng vũ trang, mẹ lại tiếp tục cho các con mình tham gia hoạt động: Người vào du kích, người làm cán bộ. Bà cùng đồng bào Tân Phước Khánh góp gạo nuôi quân, ủng hộ tiền bạc cho Mặt trận giải phóng.Anh Bảy kể: Năm 1958, khi 19 tuổi, tui tham gia làm công tác quân bưu. Đây là một công tác bí mật. Những người có quan hệ công tác đường dây đó với tôi bấy giờ phải dùng các biệt danh như “Bảy Lé”, anh “Năm Trung Tâm” đến ngày giải phóng đã hy sinh cả. Từ năm 1960 đến 1961, bà già tui bị bệnh bại liệt. Trong khi đó các anh tui lần lượt thoát ly. Cảnh nhà trống vắng chỉ còn 3 mẹ con, tui là lao động chính và cậu em út 12 tuổi. Vì vậy trong khi trốn quân dịch tui  cũng phải kiếm việc làm để nuôi sống gia đình.* * *Năm 1962: Anh Bảy 23 tuổi, mẹ Lạch cũng bớt bệnh, bà lo lấy vợ cho anh. Có con dâu, thêm người đỡ dần việc nhà. Lẽ ra được sống hạnh phúc với gia đình nhưng anh Bảy phải lo trốn quân dịch. Anh làm ở lò chén Lái Thiêu, vợ anh cũng theo anh làm tại đó. Hai vợ chồng đi, về phụ việc nhà và chăm sóc  mẹ già.Năm 1962 đến năm 1963, Mỹ dồn dân chiếm một diện tích lớn ở vùng đất gồm các xã Bình Chuẩn, Tân Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Phú Hòa để xây dựng căn cứ và sân bay của chúng... Mẹ Lạch và những người nông dân trong vùng bị giặc chiếm hết ruộng vườn cha ông để lại - Cửa nhà bị địch đốt trụi trơn... Giờ mẹ bị liệt chẳng thể đi đâu. Bà nhớ lại quãng đời hạnh phúc ngắn ngủi được sống với chồng con, quãng đời ấy đã thoảng qua như sương buổi sớm của vùng đất này. Mười tám năm rồi mảnh đất quê này không một ngày im tiếng súng - Mẹ con đang sống đoàn tụ, phải chia lìa mỗi người một ngả!...Khuôn mặt trái xoan một thời của bà đã héo hắt, những nếp nhăn cứ nổi lên theo thời gian. Đôi mắt lá răm đẹp thời con gái của mẹ giờ đã nhăn nheo cả rồi. Đôi mắt ấy giờ còn lại ngọn lửa căm thù cháy bỏng!  Mẹ ngồi bất động hồi lâu: Nghĩ càng căm phẫn lũ quân thù. Chúng đang san bằng nhà cửa, ruộng đồng, mồ mả ông bà tổ tiên của đồng bào mình - Người nằm dưới mồ cũng chẳng được yên - Tức ói máu nhưng do tình thế mẹ chẳng làm gì được. Trong cuộc cướp bóc giữa ban ngày bên mặt này (của Mỹ - Diệm) bà tiếc chẳng có đứa con nào ở gần; đó quả là cuộc chiến không cân sức giữa một bên có đủ máy bay, xe tăng tàu bò... và một bên là mẹ trong tay không lấy một tấc sắt... Chiếc xe nhà binh đỗ kịch ngay trước cửa nhà mẹ - một tốp lính bận rằn ri được đổ xuống. Bọn này lăm lăm khẩu súng trong tay, chúng ập vào chiếc lều tranh của mẹ - chỉ có một mình bà Lạch ở nhà.  Chúng lục soát mọi nơi, không thấy gì cả. Tên chỉ huy ra lệnh cho lính dẫn mẹ ra xe. Nhưng chân bà bị liệt - Hai tên lính áp lại; chúng lôi bà như kéo lết một cây chuối đổ đến bên chiếc xe vừa đậu! Trước khi rút, tên chỉ điểm mặt có hình xăm hai lưỡi kiếm châm mồi lửa vô lều tranh của mẹ: Ngọn lửa cháy bốc cao với vẻ đẹp man rợ của nó! Trong chốc lát chiếc lều đổ xụp thành tro bụi... Trong vùng chiến sự ấy hàng trăm nóc nhà bị thiêu cháy; hàng vạn con người bị bắt vô cớ.Hôm sau, trưởng phòng cảnh sát kêu mẹ Lạch thẩm vấn. Hai tên lính mở cửa phòng giam, lôi bà sềnh sệch lên phòng. Từ lúc bị bắt mẹ không chịu ăn uống gì cả. Chân trái bà bị liệt, vóc người ốm yếu. Nhưng tinh thần mẹ vẫn mạnh mẽ và sáng suốt.  Cảnh sát  trưởng hỏi:- Con bà đi đâu hết?- Con tui, hai đứa đầu nó đi đâu từ thời Pháp thuộc, chúng làm gì tôi không biết? Mấy đứa em nó khi lớn lên sợ các ông bắt lính, nó đi trốn. Hắn đổi sang ngọt ngào: - Bà khai báo thành thật, hiện giờ chúng ở đâu? Bà gọi chúng về, chúng sẽ được “quốc gia” khoan hồng và bà sẽ có thưởng lớn.Mẹ trả lời thản nhiên: - Tôi không tin lời hứa của “quốc gia” thưa ông! Hiện “quốc gia” đang ủi đi nhà cửa, ruộng đồng, mồ mả cha ông của đồng bào mình. Là một người Việt Nam, ít nhiều trong ông còn dòng máu của dân tộc. Ông nghĩ gì về việc này? Viên cảnh sát trưởng lặng thinh, không trả lời...  * * *Không buộc được mẹ Lạch vào tội gì, địch phải thả bà về. Bà qua đời năm 1966, thọ 63 tuổi. Mẹ Phạm Thị Lạch (1) ra đi cũng thanh thản bởi bà hiểu rằng: Cuộc chiến đấu chống cái ác của bọn Mỹ và tay sai ngày ấy mẹ không đơn độc - Đồng bào Tân Phước Khánh cùng với Mặt trận Giải phóng sẽ đi tiếp con đường đấu tranh bất khuất. Anh Bảy còn kể với tôi về sự hy sinh dũng cảm của hai người anh ruột và cậu em út của mình.Anh nói: Cũng như anh Ba Xuồng, anh Tư Phương không đi tập kết, mà ở lại hoạt động. Ngày 7-7-1967, anh Tư cùng đồng đội đột kích ấp chiến lược Bình Quới, xã Bình Chuẩn. Trận này quân ta toàn thắng. Nhưng sau khi thu dọn chiến trường; trên đường trở về anh Phương bị trúng đạn bắn tỉa của địch từ ngoài bờ chiến lược - Anh hy sinh ở tuổi 35, chưa có vợ.Sau khi anh Tư hy sinh, đến lượt em út tui là Phan Văn Tý. Tý vô du kích năm 1965. Trong một trận chống càn của địch Út bị trúng mảnh đạn làm bể xương bánh chè đầu gối. Vì bị thương sức chiến đấu giảm, Út Tý được chuyển sang hoạt động công tác xã. Út thường xuyên chống nạng làm nhiệm vụ đến từng cơ sở bí mật. Rồi điều không may cũng lại đến: Đêm 24-4-1968 trên đường về làm việc với cơ sở tại ấp chiến lược Bình Hòa Tân Khánh, Út đã gặp phục kích của địch. Út chạy không được, bị địch bắn và hy sinh khi mới 21 tuổi đời !Chưa đầy một tháng Út Tý hy sinh thì đến lượt anh Năm tui là Phan Văn Đò. Anh là người má tui cho đi hoạt động từ thời kỳ đầu mới thành lập Mặt Trận - Thời ta bắt đầu xây dựng lực lượng vũ trang. Ngày 14-5-1968 chiêu hồi báo cho địch, chúng phát hiện ra một hầm bí mật ngoài bờ ấp chiến lược Bình Quới.  Địch bao vây chiếc hầm bí mật, bắc loa kêu gọi đầu hàng. Không chịu khuất phục, những cán bộ cách mạng bên trong đã tung nắp hầm, liệng lựu đạn ra ngoài. Lựu đạn nổ làm bị thương nhiều tên - Nhân cơ hội, anh Năm Đò xông lên tính thoát khỏi vòng vây. Nhưng chưa kịp thoát, anh đã bị trúng đạn ngã xuống! Anh Năm tui hy sinh bỏ lại vợ và 3 con còn nhỏ dại...NGUYỄN BÁ NHÂN(1) Mẹ Phạm Thị Lạch đã được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” vào năm 1995, các con mẹ cũng được thưởng nhiều huân chương cao quý khác, 3 người được Tổ quốc ghi công liệt sĩ.
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên