Cuộc chiến ngắn nhất trong lịch sử nhân loại - chỉ diễn ra trong 38 phút

Cập nhật: 16-05-2022 | 06:46:38

Năm 1896, cuộc chiến được biết đến với tên gọi Chiến tranh Anh - Zanzibar đã diễn ra chỉ trong 38 phút, là cuộc chiến ngắn nhất trong lịch sử nhân loại, mặc dù không kém phần đẫm máu.

Cuộc chiến ngắn nhất trong lịch sử

Zanzibar là một đảo quốc trên Ấn Độ Dương, ngoài khơi Tanganyika, nay là một phần của Tanzania. Chiến tranh Anh-Zanzibar diễn ra giữa Vương quốc Anh và Vương quốc Zanzibar ngày 27/8/1896. Chiến sự kéo dài trong khoảng 38 phút, là cuộc chiến ngắn nhất trong lịch sử nhân loại. Nguyên nhân trực tiếp của chiến tranh là sau khi Quốc vương Hamad bin Thuwaini (thân Anh) của Zanzibar đột ngột qua đời ngày 25/8/1896 (bị nghi ngờ do bị ám sát), cháu trai 29 tuổi Khalid bin Barghash của Quốc vương quá cố lên nắm quyền chấp chính ở Zanzibar.


Chiến tranh Anh-Zanzibar diễn ra giữa Vương quốc Anh và Vương quốc Zanzibar ngày 27/8/1896.

Khalid đơn phương đăng quang trong khi chưa được người Anh chấp thuận, và trên thực tế, Anh ủng hộ một nhân vật khác là Hamud bin Muhammed. Người Anh coi hành động của Khalid là một "sự khơi mào chiến tranh" và gửi cho ông này một tối hậu thư, yêu cầu từ chức và rời khỏi cung điện, song Khalid chỉ huy cấm vệ quân cố thủ bên trong cung điện. Các nhà chức trách Anh được phép sử dụng bất kỳ lực lượng và phương tiện cần thiết nào để loại bỏ Khalid khỏi quyền lực.

Khoảng 2.800 binh sĩ Zanzibar phòng thủ cung điện, hầu hết được tuyển từ thường dân, song cũng bao gồm cấm vệ quân của Quốc vương và vài trăm công bộc cùng những người nô lệ. Vũ khí của Quốc vương và cận thần gồm có một số súng liên thanh Maxin, một súng Gatling, một súng thần công bằng đồng từ thế kỷ 17 và hai pháo dã chiến 12 pound do Hoàng đế Đức Wilhelm II tặng cho Quốc vương Zanzibar.

Tối hậu thư hết hạn, người Anh tập hợp ba tuần dương hạm, hai pháo hạm, 150 lính thủy quân lục chiến và thủy thủ, cùng 900 binh sĩ Zanzibar tại khu vực cảng. Một cuộc pháo kích cung điện và vô hiệu hóa pháo phòng thủ bắt đầu; cung điện chìm trong biển lửa. Một trận hải chiến nhỏ diễn ra với việc Anh đánh đắm du thuyền HHS Glasgow của Vương thất Zanzibar và hai thuyền nhỏ hơn. 

Các tàu và thủy thủ đoàn của Anh bắn pháo khoảng 500 phát, bắn súng liên thanh khoảng 4.100 viên và khoảng 1.000 viên đạn súng trường trong khi giao tranh. Giao chiến ngừng khi pháo kích kết thúc. Anh Quốc kiểm soát thị trấn, cung điện và đến chiều thì người Anh nhanh chóng đưa Hamud bin Muhammed lên làm Quốc vương, nắm một chính phủ bù nhìn với quyền lực bị giảm nhiều.

Hệ lụy không nhẹ

Quân đội của Quốc vương Zanzibar có khoảng 500 người bị thương vong, hầu hết thiệt mạng do lửa nhấn chìm cung điện, trong khi phía bên kia chỉ có một thủy thủ người Anh bị thương. Sau khi bỏ chạy khỏi cung điện, Quốc vương Khalid, Đại úy Saleh và khoảng 40 tùy tòng tìm cách tị nạn tại lãnh sự quán Đức. Tại đây họ được 10 thủy thủ và thủy quân lục chiến có vũ trang của Đức bảo vệ.

Bất chấp yêu cầu dẫn độ, lãnh sự Đức từ chối giao nộp Khalid cho Anh Quốc do hiệp định dẫn độ của Đức với Anh Quốc loại trừ tù nhân chính trị. Thay vào đó, lãnh sự Đức hứa đưa Khalid đến Đông Phi thuộc Đức khiến nhân vật này không còn được đặt chân lên đất Zanzibar. Cuộc xung đột được coi là cuộc chiến ngắn nhất trong lịch sử thế giới này đặt dấu chấm hết cho chủ quyền của Vương quốc Zanzibar và khởi đầu giai đoạn quốc gia này chịu ảnh hưởng tuyệt đối của Anh.

Anh trừng phạt những người ủng hộ Khalid bằng cách buộc họ phải trả tiền bồi thường để trang trải cho chi phí đạn pháo dùng để bắn vào chính họ và thiệt hại do cướp bóc, ước tính 300.000 rupee. Năm 1916, trong Chiến dịch Đông Phi của Thế chiến I, Khalid bị quân Anh bắt, bị đày đến Seychelles và Saint Helena trước khi được phép trở về Đông Phi, rồi qua đời tại Mombasa năm 1927.

Quốc vương Hamud trung thành với người Anh và hành động giống như bù nhìn của một chính phủ về thực chất do người Anh vận hành. Có lẽ do sự thể hiện ấn tượng của Hải quân Hoàng gia Anh trong khi pháo kích, không còn có cuộc nổi dậy nào nữa nhằm chống lại ảnh hưởng của Anh Quốc trong 67 năm còn lại của chế độ bảo hộ Zanzibar./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=833
Quay lên trên