Chỉ trong thời gian chưa đầy 1 tháng (từ ngày 4-3 đến 29-3-1975), ta đã mở hai chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, giải phóng một địa bàn chiến lược quan trọng từ Tây nguyên đến vùng duyên hải miền Trung.
Thắng lợi của chiến dịch Tây nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng đánh dấu bước trưởng thành mới, toàn diện của quân đội ta. Các đơn vị bộ đội chủ lực tích lũy được nhiều kinh nghiệm về tổ chức và chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng trong các chiến dịch quy mô lớn. Sức mạnh chiến đấu của các binh đoàn chủ lực tăng hẳn lên. Tổn thất về người và vật chất ở mức thấp nhất, lại thu được nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật của địch. Lực lượng vũ trang địa phương phát triển cả về số lượng và chất lượng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chiến đấu tại chỗ và bảo vệ vùng giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực cơ động, phát triển tiến công trên các hướng chiến lược. Ý chí chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ rất cao, tinh thần hết sức phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.
Trên chiến trường miền Nam, cả về thế chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo quân địch. Con đường tiến về Sài Gòn theo hai hướng chiến lược: Từ Tây nguyên và từ ven biển Trung bộ đã rộng mở.
Trong cuộc họp ngày 31-3- 1975 của Bộ Chính trị, dưới sự chủ trì của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã nhận định: Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt mà thời cơ chiến lược để tiến hành trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đã chín muồi.
Trên cơ sở quyết tâm của Bộ Chính trị, của Trung ương Cục và căn cứ tình hình đang phát triển “một ngày bằng 20 năm”, cuối tháng 3-1975, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một quyết định thành lập Ban chỉ đạo, chỉ huy giải phóng do đồng chí Nguyễn Văn Luông, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban để huy động toàn lực lượng vào trận tiến công nổi dậy giải phóng tỉnh. Ban chỉ huy tiền phương do đồng chí Bùi Xuân Thuận, Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban kiêm Chính ủy; đồng chí Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Trần Văn Châu, Tỉnh ủy viên, Chỉ huy phó Tỉnh đội; các đồng chí Tỉnh ủy viên và trưởng các ban ngành của tỉnh, thị xã... làm ủy viên.
Để tăng cường lực lượng cho phía trước, tỉnh quyết định điều lực lượng của huyện Bắc Bến Cát, Dầu Tiếng và các địa phương rút thêm thanh niên từ các cơ quan, đơn vị thành lập Tiểu đoàn Phú Lợi 3. Huyện Nam Bến Cát thành lập thêm một đại đội, huyện Châu Thành tổ chức thêm một trung đội. Vùng giải phóng Bến Cát, Dầu Tiếng đưa hàng trăm con em ra phía trước để xây dựng đơn vị mới của tỉnh.
Các đại đội địa phương huyện, lực lượng du kích xã, biệt động thị xã đều được củng cố, bổ sung quân số, trang bị. Mỗi huyện có 1 đại đội địa phương, 69 xã đều có lực lượng dân quân du kích từ bán đội đến 1, 2 tiểu đội (lộ, mật). Ở 59 xã khá đều tổ chức được chi bộ. Xã nào cũng xây dựng tổ chức được các đoàn thể như nông hội, phụ nữ, thanh niên... Tỉnh ủy điều 252 cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đang hoạt động trong vùng căn cứ, vùng giải phóng tăng cường cho các địa phương ở phía trước. Hàng ngàn chiến sĩ, cán bộ cùng với lực lượng dân công hỏa tuyến liên tục ngày đêm tích cực vận chuyển hơn 40 tấn đạn dược, vũ khí, hơn 80 tấn lương thực xuống nam đường 16 để phục vụ chiến trường.
Với khí thế cả nước ra trận, quân và dân tỉnh Thủ Dầu Một đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cùng toàn miền thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. (Còn tiếp)
HÀ - THĂNG
(Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Giải phóng tỉnh Bình Định
Vào lúc 12 giờ 30 ngày 31-3-1975, các lực lượng chủ lực quân giải phóng chia làm nhiều cánh đánh thẳng vào các vị trí quan trọng của địch ở nội thị.
Phối hợp nhịp nhàng với các cánh của Trung đoàn 93, Tiểu đoàn Đặc công 405, Tiểu đoàn Công binh 19, Tiểu đoàn 51 đánh tràn qua khu vực Đá Đen, cầu Cây Da, ngã ba Thanh Long, thọc thẳng xuống các khu Đèo Son, Viễn Thông, Ghềnh Ráng. Cùng ngày, khoảng 15 giờ, đội biệt động Quy Nhơn xuất kích, bất ngờ đánh chiếm Ty công an cảnh sát, nhà lao trung tâm, giải thoát hơn 1.000 đồng chí và đồng bào bị địch giam giữ. Đến 17 giờ, ta đánh chiếm dinh tỉnh trưởng (nay là nhà khách UBND tỉnh). Đến 20 giờ ngày 31-3-1975, quân ta đánh chiếm, cắm cờ trên tiền sảnh Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm Tiểu khu Bình Định, cơ quan đầu não về chính trị, hành chính, quân sự của địch.
Tiểu đoàn 4 xe tăng thiết giáp, Sư đoàn 325 hành quân giải phóng Quy Nhơn - Bình Định
V.H