Cán bộ, chiến sĩ Hải quân đảo Đá Đông C tự trồng rau xanh trên đảo
Dạy chữ ở Trường Sa
Cô Bùi Thị Nhung (32 tuổi), giáo viên trường Tiểu học Trường Sa cho biết, trên đảo có hàng chục trẻ nhưng số ở độ tuổi đến trường là 8. Học sinh (HS) chỉ học tiểu học trên đảo, lên lớp 6 các cháu sẽ được đưa vào đất liền để hòa nhập cùng bạn bè và tiếp cận với điều kiện giảng dạy tốt hơn.
Ngoài cô Nhung dạy tất cả môn văn hóa, còn có hai cán bộ của UBND thị trấn Trường Sa dạy tiếng Anh và vi tính. HS trên đảo Trường Sa được cô giáo hướng dẫn phương pháp học gắn liền với thực tế của đảo. Nếu như ở đất liền HS lớp 3 học lễ hội của các vùng quê thì HS Trường Sa được dạy về văn hóa, chương trình văn nghệ, thể dục thể thao hay những ngày kỷ niệm của đảo.
“Âm nhạc thì tôi dạy các cháu những bài hát về chiến sĩ, bộ đội, biển đảo. Tất cả HS trên đảo Trường Sa đều thuộc và hát rất hay Khúc quân ca Trường Sa, Đồng dao biển đảo, Sức sống Trường Sa, Cháu yêu chú bộ đội…”, cô giáo Nhung cho hay.
Tiếng Việt, tập làm văn là môn được cô Nhung chú trọng rèn giũa HS. Không giống như ở đất liền, HS Trường Sa không biết sử dụng sách giải, văn mẫu. Các em luôn được cô hướng dẫn quan sát tỉ mỉ, rồi ghi lại bằng những câu từ mộc mạc, chân thật nhất. Thi thoảng cô Nhung đọc văn mẫu cho các em nghe, nhưng chỉ để tham khảo, chứ không cho các cháu bắt chước.
HS trên đảo Trường Sa được cô Nhung dạy nhiều về bài học tiết kiệm nước bởi nguồn nước ngọt sạch trên đảo rất khan hiếm. Các em đều biết khóa vòi khi đã lấy đủ nước, tận dụng nước ngọt để tưới cây… Dù trên đảo Trường Sa đã có giếng nước ngọt nhưng theo cô Nhung, nước vẫn lợ nên bài học tiết kiệm nước luôn được nhắc đi nhắc lại với học trò.
Những công dân mới trên đảo
Ở đảo Song Tử Tây, gia đình anh Hồ Dương và chị Trương Thị Liền là tâm điểm chú ý của toàn xã đảo khi sinh hạ được một cháu trai, được vài tháng tuổi. Cháu được đặt tên Hồ Song Tất Minh là đại diện của thế hệ sinh ra trên huyện đảo này. Không chỉ chị Liền, chị Phạm Thị Nữ ở xã đảo Sinh Tồn đã yên tâm chuẩn bị cho cuộc “vượt cạn” trên huyện đảo sóng gió này trong thời gian tới. Cũng như bao ngôi nhà khác, ngôi nhà đầy ắp tiếng vui cười của anh Dương là sản phẩm của chương trình hỗ trợ nhà ở cho ngư dân của Chính phủ được quân dân huyện đảo triển khai xây dựng trong những năm gần đây. Với tổng diện tích 200m2, trong đó 104m2 là diện tích ở, các căn hộ được thiết kế thành 3 phòng: Phòng khách, phòng ngủ, công trình khép kín. Phía trước là sân chơi; phía sau các nhà là vườn rau, bể nước. Anh Võ Văn Trường ở thị trấn Trường Sa nói: Khi bước chân vào “biệt thự” này, vợ chồng tôi cứ ngỡ như trong mơ vậy. Cảm nhận của những người như anh Trường rất tự nhiên, bởi không chỉ nhà, hơn 60 tiện nghi sinh hoạt thiết yếu của các hộ gia đình như bàn ghế, giường tủ, máy thu hình, quạt điện, dụng cụ cấp dưỡng... đầy đủ. Bà con ai nấy đều phấn khởi khi ở trong những căn hộ ấm áp ấy. Trụ sở UBND hai xã Song Tử, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa cũng đã được xây dựng khang trang, hiện đại. Các thiết bị văn phòng, đồ dùng công cộng như máy tính, âm ly, loa đài, bàn ghế đã đáp ứng đủ nhu cầu làm việc của chính quyền. Dạy chữ trên đảo Trường Sa
Ngoài khai thác hải sản, nhân dân các đảo còn hướng đến việc tăng gia, chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập. Gia đình ông Trần Văn Dũng - bà Phạm Kim Anh ở hộ số 7, xã đảo Sinh Tồn là hộ tích cực trồng rau xanh và chăn nuôi với đàn vịt đẻ 18 con của ông bà thường xuyên cho trứng hàng ngày. Nhiều hộ đã trồng rau muống nước, mồng tơi, rau cải và bầu bí có hiệu quả. Khu tưởng niệm Bác Hồ ở thị trấn Trường Sa, chùa ở đảo Song Tử Tây là niềm tự hào của nhân dân huyện đảo.
Ở Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày: Sinh sôi, trường tồn mãi mãi.
C.T (tổng hợp)