Cuộc sống mới tươi sáng ở Làng Chăm

Cập nhật: 13-05-2023 | 06:20:31

Bình Dương được mệnh danh là vùng “đất lành chim đậu” khi thu hút nhiều cư dân từ khắp mọi miền về đây sinh sống và lập nghiệp. Trong đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang có cuộc sống ngày càng ổn định, kinh tế gia đình ngày càng phát triển khi đã chọn Bình Dương là quê hương thứ 2 của mình.

Theo số liệu thống kê, Bình Dương có 30 dân tộc thiểu số với hơn 8.000 hộ, gần 32.000 nhân khẩu. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số sống đan xen với người Kinh trên khắp địa bàn tỉnh. Trong đó, có 3 dân tộc sống tương đối tập trung là: Người Chăm tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng; người Hoa sống tại TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng và người Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo.

Người Chăm ở xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương với nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc

Thời gian qua, công tác dân tộc đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện thường xuyên và hiệu quả. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ổn định, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Nhờ những chính sách dân tộc thiết thực, đến nay đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt, tăng dần tỉ lệ hộ khá, giàu và giảm dần hộ nghèo.

Đến Làng Chăm ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng hôm nay, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của đồng bào nơi đây ngày càng khởi sắc, tươi vui. Với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào dân tộc Chăm đã tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, góp phần cùng nhân dân xã Minh Hòa nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững và ổn định tình hình an ninh trật tự… Những con đường được trải nhựa phẳng lỳ,  hệ thống lưới điện xây dựng hiện đại mang ánh sáng về làng xen cùng với màu xanh của những vườn cao su và điều hai bên đường đã cho thấy sự “thay da, đổi thịt” nơi đây. Những ngôi nhà khang trang được dựng lên thay cho những mái nhà xập xệ trước đây là minh chứng về một cuộc sống no đủ, yên bình của bà con.

Theo lãnh đạo địa phương, đa phần người Chăm ở xã Minh Hòa đến từ Châu Đốc (tỉnh An Giang). Đồng bào Chăm bên cạnh tuân thủ những quy định pháp luật của Nhà nước, một số phong tục chung của người Việt, họ còn có những phong tục đặc sắc riêng của mình. Nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi đã góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Bằng sự nỗ lực của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình trong cộng đồng và sự chia sẻ, trách nhiệm vì cộng đồng nên cuộc sống bà con đã đổi thay rất nhiều. Cùng với đó, nhờ sự chăm lo chu đáo, hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con Làng Chăm ở xã Minh Hòa không chỉ có điều kiện phát huy bản sắc truyền thống cộng đồng mà còn luôn hòa hợp trong khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần cùng nhân dân địa phương xây dựng nông thôn mới để phát triển bền vững cả về văn hóa và kinh tế.

Để có những trải nghiệm thú vị về nét văn hóa đặc trưng của người Chăm tại Bình Dương, cũng như tìm hiểu câu chuyện về sự hòa nhập của họ khi đến vùng “đất lành” đã giúp một số người có cuộc sống khấm khá, một số người trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của địa phương…, mời quý độc giả đón xem chương trình “Tôi yêu Bình Dương” tập tiếp theo. Chương trình do Báo Bình Dương thực hiện phát vào lúc 6 giờ sáng chủ nhật (ngày 14-5-2023) tại địa chỉ: www. baobinhduong.vn.

 THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=397
Quay lên trên