Cước taxi đồng loạt tăng

Cập nhật: 01-03-2011 | 00:00:00

Đối với dòng xe 4 chỗ chạy trong thành phố, giá mở cửa đối với 30 km đầu tiên là 12.700 đồng, tăng 1.200 đồng một km so với trước. Còn từ km thứ 31 trở đi, giá cước áp dụng mới là 9.500 đồng, tăng 1.000 đồng.

Đợt điều chỉnh giá này được Taxi Group giải thích là không thể đừng vì giá xăng, dầu đã tăng quá cao. Nếu không tăng giá, hãng sẽ bị lỗ, chưa kể họ còn đối mặt với nguy cơ lái xe đình công.

Hãng taxi Thủ Đô cũng tiến hành tăng giá cước từ hôm nay với mức tăng phổ biến 1.000-1.500 đồng so với cũ. Trong đó, đối với dòng xe 4 chỗ, 20km đầu tiên áp dụng mức giá 12.700 đồng, tăng 1.200 đồng. Từ km tứ 21 trở đi, giá cước mới áp dụng 9.500 đồng, tăng 1.000 đồng. Đối với dòng xe 7 chỗ, 20km đầu tiên áp dụng mức giá 13.500 đồng, tăng 1.500 đồng so với cũ. Còn từ km thứ 21 trở đi, giá cước mới áp dụng là 10.500 đồng, tăng 1.000 đồng so với trước.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay, mức tăng giá cước kể trên vẫn chưa được coi là tính đúng tính đủ trước tác động của chi phí xăng, dầu đầu vào, tỷ giá... Bởi từ tháng 9/2009 đến nay giá xăng, dầu đã có vài đợt điều chỉnh, song các hãng taxi ở Hà Nội vẫn bảo nhau giữ giá chứ không tăng. "Thế nhưng, lần này, sức ép với chúng tôi quá lớn, không tăng giá cước thì sẽ bị lỗ", ông Bình nói.

Hiệp hội Taxi TP HCM cho biết từ tuần trước có ít nhất 4 hãng đã đăng ký giá bán mới từ 1/3 với mức tăng khoảng 1.500 đồng so với cũ, gồm Taxi Mai Linh, Vinasun, Comfort Savico và Sasco.

Theo thông báo mới của Hãng taxi Vinasun, đối với loại xe 4 chỗ, giá mở cửa mới áp dụng cho km đầu tiên là 10.000 đồng, giá km tiếp theo là 13.500 đồng. Đối với loại xe Innova 7 chỗ, giá cước là 14.000 đồng mỗi km (dòng J) và 14.500 đồng mỗi km (dòng G).

Tương tự, ba hãng taxi còn lại cũng tăng giá cước với giá trung bình khoảng 1.500 đồng mỗi km.

Hiệp hội Taxi TP HCM cũng cho biết hơn 30 doanh nghiệp (với khoảng 10.000 xe) cũng đã hoàn tất thủ tục trình cơ quan chức năng để chuẩn bị áp dụng mức giá mới trong vài ngày tới.

Lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho biết cước taxi hiện nay không nằm trong diện quản lý về giá, khi điều chỉnh giá cước, các hãng chỉ phải gửi bản thông báo giá cho Sở tài chính các địa phương, nơi doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, khi có phản ánh của khách hàng hay các đợt kiểm tra định kỳ, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra và có phương án xử lý đối với các đơn vị vi phạm.

Đợt tăng giá điện, xăng, dầu lần này được coi là nguyên nhân chính khiến hầu hết các dịch vụ, hàng hóa lập mặt bằng giá mới. Hiện tại, giá phòng trọ tại những khu tập trung nhiều trường đại học ở Hà Nội đã đắt thêm từ 15- 25% so với trước.

Trong đó, những phòng trọ khoảng 12- 15m2 ở khu vực ngoại thành như Nhổn, Kiều Mai, Cầu Diễn, Hà Đông… đều đã tăng thêm ít nhất 100.000 đồng một tháng. Phòng ở tuyến phố trung tâm thì tăng nhiều hơn, phổ biến từ 200.000- 300.000 đồng một phòng.

Nguyễn Đức Công, sinh viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp trọ tại đường Đê La Thành cho hay, từ Tết, đây là đợt tăng giá phòng lần thứ hai. Ra Tết, tiền phòng đã tăng từ 700.000 đồng lên 800.000 đồng, còn hiện tại tăng lên 900.000 đồng một tháng. “Mức tăng không đáng kể, nhưng vì bà chủ không giải thích rõ nguyên nhân, nên bọn em rất bức xúc. Nhiều bạn đoán, là do tăng giá xăng, nên tiền trọ cũng bị tăng lên”, Công nói.

Nhiều hàng cơm bình dân phục vụ học sinh, sinh viên, người lao động cũng đang có kế hoạch tăng giá bán, dù giá thực phẩm không có nhiều biến động. Chủ quán cơm sinh viên sát cổng phụ Đại học Công Đoàn cho hay, đang có kế hoạch tăng giá bán mỗi suất thêm ít nhất 2.000 đồng, vì mặt bằng giá cả đang cao. Bà này lý giải, rau rẻ, thịt không quá đắt, nhưng vì xăng lên giá, nên sẽ tác động đến chi phí đi lại, lấy hàng và giao hàng, do đó phải tăng giá bán mới có lãi.

Nhìn thấy được việc “té nước theo giá xăng” trong thời điểm này, phải kể đến những dịch vụ như rửa xe, thay dầu, đánh giầy, bán báo dạo… Giá rửa xe máy tại Hà Nội hiện nay đã đồng loạt tăng từ 10.000 đồng lên 12.000- 15.000 đồng một xe.

Ngay cả những người bán báo dạo bằng xe đạp hàng sáng tại nhiều khu dân cư cũng đột ngột nâng giá bán. Bác Nguyễn Văn Hữu, cán bộ hưu trí nhà ở đường Trần Quốc Hoàn có thói quen mua báo hàng sáng cho hay, bình thường, người bán báo dạo đã bán cao hơn giá bìa ít nhất 1.000 đồng một tờ, nhưng từ khi giá xăng tăng, mỗi tờ báo lại đắt thêm từ 500- 1.000 đồng nữa.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=423
Quay lên trên