Cuối năm, coi chừng “dính bẫy” lừa

Cập nhật: 29-11-2023 | 09:27:54

Theo nhận định của cơ quan chức năng, thời điểm cuối năm tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý hiện nay là tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với người nhẹ dạ, cả tin nở rộ với nhiều chiêu thức mới.

Bỗng dưng trở thành “tội phạm”

Phản ánh đến Báo Bình Dương, nhiều bạn đọc cho biết thời gian gần đây họ thường nhận được điện thoại của các số máy lạ gọi đến, có đối tượng tự xưng là người của cơ quan bảo vệ pháp luật và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cũng như số tài khoản để “phục vụ công tác điều tra”.


Một buổi tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng cho công nhân do Công an tỉnh tổ chức

Cụ thể như trường hợp của anh N. (ngụ TP.Tân Uyên), sau khi nhận được điện thoại, anh bị đầu dây bên kia “quạt” cho một trận về việc dính líu tới một vụ án ma túy do công an đang điều tra. Sau đòn tâm lý, đối tượng xuống giọng yêu cầu anh N. cung cấp thông tin cá nhân cũng như số tài khoản ngân hàng để xác minh, “phục vụ cho công tác điều tra”. Tuy nhiên khi anh N. phản ứng, đối tượng liền chửi thề rồi tắt máy.

Được biết thủ đoạn giả danh các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, viện kiểm soát, tòa án để “hù” người dân tuy không mới, nhưng lâu lâu các đối tượng lại mang ra sử dụng. Theo khuyến cáo của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, đối với tội phạm này, đối tượng sẽ đe dọa, áp lực tâm lýnhằm làm nạn nhân sợ hãi, sau đó yêu cầu chuyển tiền hoặc thông tin cá nhân. Đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào một tài khoản cụ thể hoặc cung cấp thông tin cá nhân như số thẻ tín dụng, số căn cước công dân, mã số bảo mật và các thông tin nhạy cảm khác. Điều này nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của nạn nhân…

Để phòng chống và bảo vệ mình khỏi các hình thức lừa đảo như trên, hãy áp dụng các biện pháp sau: Giữ bình tĩnh và không bị đánh lừa bởi áp lực tâm lý và đe dọa. Hãy tự xác minh danh tính và thông tin của người gọi bằng cách gọi lại vào số điện thoại chính thức của cơ quan đó hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan qua các kênh chính thức. “Nếu bạn nhận được cuộc gọi đe dọa hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy thông báo ngay cho cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ và tư vấn. Các cơ quan quản lýnhà nước sẽ không yêu cầu bạn chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin nhạy cảm qua điện thoại một cách đột ngột mà không có văn bản thông báo trước”, Cục An toàn thông tin đưa ra lời khuyên.

Coi chừng lời mời “cho vay lãi suất thấp”

Đánh vào tâm lý thời điểm cuối năm nhiều người có nhu cầu vay tiền, một số đối tượng đã tạo ra các “hệ sinh thái” trên mạng để lừa đảo hết sức tinh vi. Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh cho biết thủ đoạn của đối tượng là mạo danh một số ngân hàng và các công ty tài chính có thật tại Việt Nam, tạo lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp.


Giao diện của một trang cho vay cũng như tin nhắn nhằm dẫn dụ nạn nhân nộp thêm tiền.  (Ảnh: CÔNG AN BÌNH DƯƠNG)

Các đối tượng lừa đảo tạo lập hàng ngàn tài khoản Facebook với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp (chỉ 1%/tháng), thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp; nợ xấu vẫn vay được; không thế chấp, không thẩm định, chỉ cần chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và có tài khoản ngân hàng/thẻ ATM là có thể vay được tiền...

Khi có người vay tiếp cận, đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân phục vụ làm hồ sơ vay. Sau khi dụ người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện dẫn hàng loạt các lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay. Từ đó, chúng yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền đã gửi cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt và ngắt liên lạc.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực chính xác công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục vay tiền bằng cách: Kiểm tra mã số thuế, địa chỉ, người đại diện công ty, gọi điện thoại đến các số đường dây nóng, chăm sóc khách hàng của các công ty, kiểm tra kỹ các đường link trang web trước khi truy cập. Nên tư vấn thêm ý kiến của người thân có nhiều kinh nghiệm trước khi làm các thủ tục vay…

“Tín dụng đen công nghệ”

Đại úy Trần Văn Thông, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cho biết qua công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, có thể nhận thấy các đối tượng hoạt động theo 3 phương thức chủ yếu là: “Truyền thống”; “Truyền thống kết hợp công nghệ” và phương thức “Công nghệ hoàn toàn”.

Trong đó “Tín dụng đen” theo phương thức “Công nghệ hoàn toàn” là đối tượng lập ra và sử dụng các trang website, ứng dụng điện thoại để công khai quảng cáo các hình thức cho vay với thủ tục đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp căn cước công dân; lãi suất vay bị các đối tượng này lách luật bằng các tình các khoản phí dịch vụ. Khi người vay không thể trả nợ, các đối tượng sử dụng số điện thoại “rác” gọi điện đe dọa, bêu rếu trên Facebook, khủng bố tinh thần buộc phải liên hệ yêu cầu người vay trả nợ cho chúng dẫn đến tâm lý hoang mang lo sợ cho những người không liên quan như người thân, bạn bè, chủ doanh nghiệp.

V.CHÂU - N.HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=566
Quay lên trên