Chị em phụ nữ ấp 4, xã Lộc Hưng huyện Lộc Ninh góp gạo giúp đỡ những gia đình còn khó khăn
Thôn, sóc với hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang, bà con đồng bào không phải lo đối mặt với cái đói giáp hạt hàng năm, nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, lớp trẻ được đến trường học tập nâng cao trình độ nhận thức... Đó là điều mà chúng tôi cảm nhận được khi đến với các thôn, sóc của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh Bình Phước vào dịp cuối năm.Ông Điểu Sen, 68 tuổi, người dân tộc Stiêng ở ấp 2, xã An Khương, huyện Hớn Quản là một điển hình trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi với nhiệm vụ giao liên chuyên đưa công văn thư tín, ông được các anh em cán bộ dạy cho biết mặt chữ. Trở lại cuộc sống đời thường, vốn sống của Điểu Sen là bản lĩnh kiên cường của người làm cách mạng. Chính vì thế Điểu Sen được tin tưởng giao chức vụ Chủ tịch UBND xã An Khương suốt từ năm 1979 đến năm 2000. “Khi đã hiểu “cái bụng” của Nhà nước, tôi vận động bà con đồng bào định canh định cư, ổn định sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất”, Điểu Sen nói. Trong những năm ở vị trí lãnh đạo xã ông tâm niệm để bà con lắng nghe mình, làm theo lời mình thì trước hết mình phải làm gương. Chính suy nghĩ đó giúp ông lao động không mệt mỏi với quyết tâm diệt giặc đói, giặc dốt.
Chăm lo cho ĐBDTTS là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước với mong muốn họ thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống. Thực tế cho thấy nhiều hộ ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước khi được nhận chính sách ưu đãi này đã có cuộc sống kinh tế ổn định không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Hơn thế họ còn cùng Nhà nước giúp đỡ những gia đình khó khăn giảm bớt gánh nặng cho xã hội như ông Điểu Chính Quốc Tuấn ở xã Tân Khai, huyện Hớn Quản. Trong dịp Hội Người mù thị xã Bình Long trao tặng quà cho người khiếm thị trên địa bàn, ông Tuấn đã vận động và quyên góp được 200 phần quà với tổng trị giá trên 40 triệu đồng. Đây là công việc thường xuyên của ông chỉ với mong muốn giản dị là muốn tiếp thêm niềm tin cho những người nghèo. Đối với trẻ mồ côi, khuyết tật, người khiếm thị, ông luôn tạo điều kiện hỗ trợ đến trường, hỗ trợ xe lăn, đào tạo học nghề để các em tự lao động kiếm sống, không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của xã hội, đồng thời bớt đi những mặc cảm tự ti trong cuộc sống.
Đến vùng đồng bào dân tộc Khơme ở ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh chúng tôi cảm nhận sâu sắc tình thương yêu, tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau trong buôn sóc. Ở đây chúng tôi bắt gặp hình ảnh những phụ nữ chắt chiu từng hạt gạo dành tặng người khó khăn. “Chị em mình tới bữa nấu cơm, đong gạo rồi lấy ra bớt một nắm để dành, tới kỳ họp phụ nữ mình trút gạo giúp các chị em nào nhà thiếu gạo ăn”, chị Thị Pho La, Chi Hội trưởng Hội Phụ nữ ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh nói. Ông Lâm Dên, Phó ban Mặt trận ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, cho biết: “Kinh tế của bà con dân tộc ở đây chủ yếu dựa vào trồng lúa nước, điều kiện sống vẫn còn không ít khó khăn song ấp 4 xã Lộc Hưng còn được biết đến là ấp có truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc”.
Tinh thần tương thân tương ái, trợ giúp nhau những lúc khó khăn ngặt nghèo là điều mà chúng tôi dễ dàng bắt gặp ở bất cứ thôn sóc nào của ĐBDTTS tỉnh Bình Phước. Cái tình của người đồng bào luôn song hành cùng với sự phát triển cuộc sống nhưng không bị choáng ngợp trước những phù phiếm vật chất. Nói như già làng Lâm Hớ, Bí thư Chi bộ ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh: “Mặc dù đứng trước bộn bề khó khăn nhưng người ĐBDTTS chúng tôi luôn biết tiến lên, không ngừng tiến lên”.
THANH LIÊM