Từ 2 bàn tay trắng, phải làm thuê cuốc mướn để nuôi 7 người con ăn học; người cựu chiến binh Nguyễn Thanh Long ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo đã lập nên một cơ ngơi với hơn 10 ha cao su đang khai thác, cùng những mô hình chăn nuôi mà nhiều nông dân từng mơ ước. Mỗi năm, ông Long thu nhập từ mô hình VAC này hơn 1 tỷ đồng.
Năm nay đã ngoài 60 tuổi, bản thân là một người lính từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Sau khi xuất ngũ trở về với gia đình năm 1973 ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà tỉnh, ông cùng gia đình vào Nam lập nghiệp năm 1990. Ông đã vất vả mưu sinh ở Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước 10 năm, cuộc sống gia đình quá khó khăn, nên ông quyết định tìm về vùng đất hoang vu ở ấp Kỉnh Nhượng, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo để khai hoang trồng trọt. Thời gian đầu về vùng đất mới, gia đình ông sống bằng nghề làm thuê, hơn nữa phải nuôi 7 người con đang tuổi ăn tuổi lớn, khiến vợ chồng ông phải vắt kiệt sức.
Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm bám trụ với nghề nông, ông dần khai phá được 15 ha đất rừng thành những vườn cây trái xanh tươi. Với cách làm lấy ngắn nuôi dài, ông bắt tay trồng cây màu ngắn ngày, sau đó chuyển dần qua trồng điều, chăn nuôi heo, bò, đào ao nuôi cá. Với lòng nhiệt quyết vượt khó, cần cù lao động bằng chính đôi tay của mình, ông biến chuyển dần những cây trồng có giá trị kinh tế thấp ngày nào bằng 12 ha cao su cho thu nhập cao, ổn định - Một mô hình kinh tế nông nghiệp mà nhiều hộ nông dân từng ao ước.
Khi chúng tôi nhắc đến thu nhập từ vườn cao su bạt ngàn này, ông Long khiêm tốn cho biết, mỗi năm ông thu khoảng 1,2 tỷ đồng. Nhờ có thu nhập cao, ông đã tạo dựng cho các con của mình có cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, ông luôn tham gia ủng hộ nhiệt tình các phong trao ở địa phương. Đó là những mãnh đời bất hạnh, những công trình phúc lợi như làm đường giao thông nông thôn… Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình giá mủ cao su xuống thấp, kinh tế gia đình ông vẫn cho thu nhập ổn định. Từ những đồng vốn tích lũy được trước đây, ông mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, sang chăn nuôi: heo, bò, cá… Ngoài ra, ông còn tạo được việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương với nguồn thu nhập ổn định.
Công Khanh