Đa dạng các hình thức tiếp nhận tin báo từ người dân

Cập nhật: 09-08-2024 | 09:38:30

Theo đánh giá từ các ngành chức năng, việc cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh các thông tin về an ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT) và các vấn đề phức tạp khác đã giúp các cơ quan chức năng nắm rõ tình hình và xử lý kịp thời.

Lắng nghe người dân nói

Qua ghi nhận của P.V tại Hệ thống đường dây nóng 1022 tỉnh Bình Dương (gọi tắt là Hệ thống 1022) điện thoại liên tục đổ chuông, các tổng đài viên nhấc điện thoại hỏi thăm người gọi đến từ khu vực nào, phản ánh vấn đề gì, nhập thông tin người gọi đến, ghi nhận sự việc và chuyển thông tin đến bộ phận có thẩm quyền giải quyết.


Nhân viên Hệ thống 1022 tiếp nhận thông tin từ người dân và chuyển đến các cơ quan để xem xét, xử lý

Ông Trần Trọng Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Bình Dương, cho biết trực tổng đài để tiếp nhận thông tin là lắng nghe người dân nói. Đây là việc làm khó, đòi hỏi nhân viên phải vận dụng linh hoạt nhiều kỹ năng như lắng nghe, phán đoán thông tin, tổng hợp các dữ liệu người cung cấp và cuối cùng là xử lý thông tin. Đôi khi tổng đài viên cũng là người gánh chịu những uất ức của người gọi đến và phải bình tĩnh, mềm mỏng khi nghe “chửi oan”. Hiện văn phòng Hệ thống 1022 vận hành xuyên suốt 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần kể cả ngày nghỉ, ngày lễ tết, tổ chức trực theo mô hình 3 ca 4 kíp với 13 người gồm 1 quản lý, 4 trưởng ca và 8 nhân viên. Các lĩnh vực tiếp nhận chủ yếu là an ninh trật tự; đô thị, giao thông, môi trường, giải quyết thủ tục hành chính, hạ tầng cáp viễn thông, đất đai, xây dựng và nhiều lĩnh vực khác.

Theo thống kê, từ ngày 1-1 đến 30-6-2024, Hệ thống 1022 tiếp nhận và xử lý 52.494 cuộc gọi (trung bình 288 cuộc/ngày), trong đó nhân viên đã trả lời, giải đáp 2.273 cuộc chat thông qua các kênh như Cổng thông tin 1022, Zalo, ứng dụng Bình Dương số. Hệ thống cũng chuyển thông tin 1.262 ca cấp cứu ngoại viện đến các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh và hơn 1.500 phản ánh, kiến nghị đến các sở, ban, ngành, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp… Trong hơn 1.500 kiến nghị từ người dân, Hệ thống 1022 đã chuyển cơ quan chức năng xử lý hoàn tất 1.363 trường hợp, đạt 89,3%. Ngoài việc tiếp nhận, xử lý thông tin và chuyển đến cơ quan liên quan, hệ thống còn tổ chức khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân. Qua khảo sát 341 trường hợp có 246 trường hợp người dân, tổ chức, doanh nghiệp hài lòng với kết quả xử lý, đạt 72,1% trên tổng số lượt khảo sát.

Đồng tình với việc cung cấp số điện thoại để tiếp nhận phản ánh của người dân về trật tự ATGT, ông Nguyễn Văn Tư, Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải, cho biết để trực tiếp lắng nghe các bất cập về trật tự ATGT, ông Nguyễn Văn Tư cung cấp số điện thoại di động trên các phương tiện truyền thông để người dân biết và phản ánh sự việc. “Việc công bố số điện thoại là để tiếp nhận các thông tin và giúp cơ quan siết chặt kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, không để xảy ra vi phạm”, ông Nguyễn Văn Tư nhấn mạnh.

Cần sự giám sát từ cộng đồng

Nói về việc tiếp nhận xử lý các tin báo vi phạm trật tự ATGT, Công an (CA) tỉnh đã phát động phong trào toàn dân chung tay, góp sức phòng ngừa tai nạn giao thông. Theo đó, CA tỉnh kêu gọi người dân cung cấp những hành vi vi phạm trật tự ATGT được ghi lại bằng các thiết bị thông minh, camera hành trình và quét mã QR gửi về Phòng Cảnh sát giao thông CA tỉnh hoặc CA các địa phương. Theo thống kê, từ ngày 26-4 đến 2-8, Phòng Cảnh sát giao thông CA tỉnh và CA các huyện, thành phố đã tiếp nhận 444 thông tin, hình ảnh, video clip phản ánh vi phạm. Lực lượng chức năng đã xác minh 187 trường hợp đủ căn cứ xử lý; hiện đang tiếp tục xác minh và xử lý các trường hợp còn lại. Kết quả đã lập biên bản 173 trường hợp vi phạm, xử phạt với tổng số tiền phạt 563 triệu đồng về các hành vi, vi phạm tốc độ, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi vào giờ cấm, sai làn, vượt xe trong trường hợp không được vượt, đỗ xe ngược chiều, đỗ xe nơi có biển cấm đỗ, chở hàng quá tải, rơi vãi hàng hóa trên đường.

Theo Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc CA tỉnh, với mật độ dân số cao, phương tiện giao thông tăng nhanh nhưng một bộ phận người dân ý thức tham gia giao thông chưa cao nên cần có sự giám sát từ cộng đồng. Việc người dân cung cấp đến lực lượng Cảnh sát giao thông hình ảnh vi phạm về trật tự ATGT được lực lượng xác minh và xử phạt nghiêm nhận được sự ủng hộ của người dân trong thời gian qua. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng thông báo kết quả xử lý và bảo đảm bí mật danh tính của người cung cấp tin.

Từ ngày 1-1 đến 30-6-2014, Hệ thống 1022 tiếp nhận và xử lý 52.494 cuộc gọi (trung bình 288 cuộc/ngày), trong đó nhân viên đã trả lời, giải đáp 2.273 cuộc chat thông qua các kênh như Cổng thông tin 1022, Zalo, ứng dụng Bình Dương số.

QUỲNH ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3808
Quay lên trên