Đa dạng các hình thức truyền dạy đờn ca tài tử ở Bình Dương

Cập nhật: 08-05-2018 | 08:42:17

Đào tạo (tức truyền dạy, truyền nghề) là một trong ba hoạt động chính yếu của người nghệ nhân (bao gồm sáng tác, trình diễn và đào tạo), xem như là “thiên chức” của người chơi nhạc tài tử. Hơn một thế kỷ qua, điều kiện truyền dạy đờn ca tài tử (ĐCTT) ở Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng có những thay đổi, với nhiều hình thức khác nhau.


Cố NSƯT Tư Còn - Người có công đào tạo nhiều học trò tài năng

Truyền nghề tại gia

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển ĐCTT Bình Dương cho thấy, không ít gia đình nhiều đời truyền nghề tiếp nối nhau làm rạng danh cho dòng tộc. Điển hình như gia đình của Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Kiều My (TP.Thủ Dầu Một), nghệ nhân Tư Bộ khá nổi tiếng về cây đờn kìm ở địa hạt nhạc lễ và nhạc tài tử miền Nam. Ông đã truyền nghề cho con rể là nghệ nhân Ngô Văn Thía (còn gọi là Tư Thía). Ông Tư Thía tiếp tục truyền dạy cho con gái là NNƯT Kiều My. Nhờ thừa hưởng “gen” di truyền từ ông ngoại và ba ruột, NNƯT Kiều My đã có những thành công nhất định trong hoạt động ĐCTT không chỉ ở Bình Dương mà lan tỏa khắp vùng Nam bộ với ngón đờn kìm điêu luyện, mang sắc thái rất riêng của vùng đất đỏ miền Đông. Ở Dầu Tiếng thì có gia đình của NNƯT Kim Anh. Do cha mẹ từng tham gia đoàn cải lương, từ nhỏ, bà được tiếp xúc với âm nhạc ngũ cung. Về sau, lại gắn bó với nhạc tài tử và truyền nghề lại cho các con của mình nối nghiệp. Trong đó nổi bật nhất là cô con gái Phương Thảo, một nghệ nhân có tiếng trong giới ĐCTT ở huyện Dầu Tiếng hiện nay.

Truyền dạy qua các “lò” dạy nhạc

Buổi đầu, các thầy nhạc tại “lò” là các nhạc sư, danh cầm trứ danh của dòng nhạc lễ và nhạc sân khấu hát bội, rồi theo đà phát triển của phong trào ĐCTT, họ sẵn sàng tiếp nhận dạy các môn đệ học đờn và ca nhạc cổ truyền Nam bộ. Từ những thập niên 1930 của thế kỷ XX trở về sau, nhất là thời kỳ thịnh hành của sân khấu cải lương, đòi hỏi bổ sung lực lượng đờn (nhạc công), ca (trình diễn) cho sân khấu chuyên nghiệp, các “lò” dạy ĐCTT Bình Dương phát triển mạnh cả số lượng lẫn chất lượng. Tiêu biểu là “lò” của các nghệ nhân: Út Lăng, Út Búng, Tư Còn, Ba Còn, Mười Phú… đã góp phần tạo danh cho nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng như: Phương Quang, Thu Hồng, Cao Thị Thắng, Kim Lệ Thy, Kiều My, Ái Hằng, Hùng Thái, Trương Mộng Hùng, Ngọc Kiều Oanh… Khi các nghệ nhân lần lượt qua đời vì tuổi cao và đồng thời, sân khấu cải lương không còn “hưng thịnh” như xưa, dẫn đến số lượng “lò” dạy nhạc tài tử ở Bình Dương ngày cảm giảm sút. Hiện thời, “lò” dạy nhạc tài tử ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay, như “lò”của vợ chồng NNƯT Cao Thị Thắng và NNƯT Phạm Ngọc Phú (TX.Dĩ An); “lò” của NNƯT Kiều My, NNƯT Thu Hồng và Mỹ Ngọc Chi (TP.Thủ Dầu Một)... Họ là những nghệ nhân được nhạc giới tài tử đánh giá cao về khả năng truyền dạy, đào tạo nhiều thế hệ học trò có bản lĩnh ca đờn vững chắc, đoạt nhiều giải thưởng cao trong các hội thi, liên hoan ĐCTT Nam bộ ở địa phương, khu vực và toàn quốc.

Đào tạo tại các cơ sở bán chuyên nghiệp

ĐCTT Bình Dương còn được đào tạo tại một số đoàn hát chuyên nghiệp như các gánh hát cải lương tư nhân; một số đoàn cải lương ra đời sau năm 1975 do tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) quản lý. Bởi lẽ, bất kỳ nghệ nhân, nghệ sĩ nào (dù là thầy đờn hay người ca), trước khi bước lên sân khấu họ đều phải học tập, phải am hiểu và thể hiện được một số làn điệu của âm nhạc tài tử - cải lương (nhất là 20 bài bản Tổ). Thi thoảng, một số thiết chế văn hóa (trung tâm văn hóa, nhà văn hóa) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tổ chức lớp bồi dưỡng ngắn hạn về ĐCTT. Họ mời một số nghệ nhân giỏi chuyên môn hướng dẫn kỹ năng đờn ca nhằm giúp các thành viên trong câu lạc bộ có thêm kiến thức về “lòng bản”, về tính chất âm nhạc, về quy luật hơi - điệu các bài bản trong nhạc mục tài tử - cải lương. Những năm gần đây, ở Bình Dương xuất hiện hình thức dạy nhạc tài tử thông qua Đài PT-TH Bình Dương, thu hút được đông đảo khán thính giả trong và ngoài tỉnh quan tâm, tán thưởng.

Nhìn chung, đào tạo thế hệ kế tục là “thiên chức” quan trọng của người nghệ nhân. Chính họ là những người “giữ lửa” cho di sản ĐCTT Bình Dương không bị mai một. Với những hình thức truyền dạy khác nhau và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, ĐCTT Bình Dương vẫn còn một lực lượng truyền nghề đáng được trân trọng. Họ là những con người tâm huyết và luôn thực hiện trọng trách cao cả của một nghệ nhân thuộc nghệ thuật dân gian dân tộc.

Thạc sĩ PHẠM THÁI BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1214
Quay lên trên