Xuyên suốt 15 năm thực hiện Chương trình hành động về việc làm và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2008-2023, Ban Thường vụ Hội Người mù tỉnh không chỉ thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người mù trong tỉnh, mà còn hỗ trợ các nguồn vốn vay, giúp họ ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các chương trình chăm lo về bảo hiểm y tế, học bổng cho con em, xây dựng nhà ở cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện xuyên suốt.
Dịch vụ xoa bóp tại Hội Người mù các huyện, thị, thành phố đã mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người mù có tay nghề
Tạo thu nhập ổn định
Toàn tỉnh hiện có 649 người mù, trong đó có 574 hội viên Hội Người mù. Trong 15 năm qua, Hội Người mù tỉnh đã tìm kiếm nghề phù hợp với khả năng của người mù và tạo việc làm thông qua các mô hình kinh tế gia đình và sản xuất tập trung. Hội đã thành lập các tổ sản xuất và các cơ sở sản xuất kinh doanh chổi, tăm tre và dịch vụ xoa bóp để giải quyết việc làm cho người mù trong tỉnh... Qua đó, các mô hình đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 105 người, mức lương bình quân đạt 3.360.000 đồng/người/tháng. Riêng ở cơ sở xoa bóp Rạng Đông, do yêu người lao động có tay nghề cao hơn nên thu nhập của người mù đạt 8 triệu đồng/người/ tháng. Hội còn cử người đi đào tạo nghề cho hội viên các tỉnh, thành trong khu vực.
Để người mù có vốn sản xuất, kinh doanh nhỏ hộ gia đình, Hội Người mù tỉnh đang quản lý và cho người mù vay hơn 2,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn gốc Trung ương hội phân bổ từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm hơn 1 tỷ đồng, nguồn vốn UBND tỉnh phân bổ 550 triệu đồng, kênh địa phương cho vay qua tổ tiết kiệm với số tiền 872 triệu đồng. Trong 15 năm qua, các cấp Hội Người mù trong tỉnh đã lập 287 dự án, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 2.173 lượt người mù vay với tổng số vốn quay vòng đạt gần 22 tỷ đồng, giúp cho người mù và gia đình đầu tư phát triển kinh tế gia đình, có việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống. Hội còn tranh thủ nguồn quỹ từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vốn cho người mù chăn nuôi bò với tổng đàn ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, Hội Người mù tỉnh còn thực hiện nhiều chương trình giúp hội viên như phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động xây tặng 80 căn và sửa chữa 23 căn nhà tình thương với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng. Hội còn phối hợp tặng 83 sổ tiết kiệm cho người mù. 100% người mù (đủ điều kiện) được hưởng trợ cấp cộng đồng, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho con.
Hạnh phúc dưới “mái nhà chung”
Nhờ đa dạng các hoạt động chăm lo đời sống hội viên, cũng như nhiều gia đình người mù có hoàn cảnh khó khăn đã dần ổn định. Họ tìm thấy ánh sáng cuộc sống, niềm vui, hạnh phúc của riêng mình. Anh Bùi Văn Cảnh, Hội Người mù huyện Bàu Bàng, chia sẻ sau khi học hết cấp I tại Tỉnh hội, anh được tạo điều kiện tiếp tục học hòa nhập hết cấp II và cấp III với học sinh sáng mắt. Với sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô và sự nỗ lực, chăm chỉ của bản thân, anh lần lượt hoàn thành chương trình qua các năm học và đã tốt nghiệp THPT vào năm 2015. Song song với việc học, anh luôn tích cực tham gia các phong trào trong và ngoài tỉnh giành cho người mù. Anh đã xuất sắc đoạt huy chương tại hội thi “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ 3 tại Hà Nội do Hội Người mù Việt Nam tổ chức.
Thời gian tới, hội phấn đấu 100% người mù trong độ tuổi lao động có nhu cầu làm việc đều có việc làm bằng nhiều hình thức; 100% hội viên đã học nghề được bố trí việc làm tại các cơ sở dịch vụ do hội thành lập và quản lý. Hội cũng phấn đấu 100% hội viên và người mù trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề đều được cử đi học”. (Ông Trần Văn Em, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh) |
“Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè, thầy cô, các cấp hội và sự cố gắng không ngừng của bản thân, tôi vinh dự được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 tổ chức tại Hà Nội... Không riêng gì tôi, nhờ sự chăm lo chu đáo của Tỉnh hội, tất cả các hội viên dần có cuộc sống tốt hơn ”, anh Cảnh tâm sự.
Không nhìn thấy ánh sáng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng rồi khi đặt chân vào Hội Người mù tỉnh để được học nghề, rất nhiều người không chỉ tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân mà còn tìm thấy hạnh phúc riêng tư. Điển hình cho trường hợp này là vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Ngọc và anh Nguyễn Văn Phong. 20 năm trước, cả 2 cùng đến Hội Người mù tỉnh học nghề, sau đó nảy sinh tình cảm và nên duyên vợ chồng. Nay con họ đã đến tuổi trưởng thành, có việc làm ổn định. Anh Phong và chị Ngọc mỗi năm được Hội Người mù tỉnh trợ giúp vốn làm ăn, không chỉ có nhà cửa ổn định mà còn có vườn cao su ở huyện Dầu Tiếng. “Thu nhập của 2 vợ chồng tại cơ sở xoa bóp Rạng Đông khoảng 10 triệu đồng/ tháng. Vợ chồng chúng tôi không tiêu xài gì nhiều nên có điều kiện chăm lo con cái, phát triển kinh tế gia đình. Nhiều anh chị em khác đang làm việc tại cơ sở cũng có cuộc sống ổn định”, chị Ngọc chia sẻ.
Dẫu biết rằng cuộc sống của các hội viên Hội Người mù vẫn còn lắm khó khăn, nhất là khi họ không nhìn thấy ánh sáng. Tuy nhiên, bằng sự chăm lo của các ngành, các cấp trong tỉnh về mọi mặt, họ dần khá lên cả vật chất lẫn tinh thần, xây dựng được hạnh phúc riêng tư và có thêm niềm tin trong cuộc sống.
QUANG TÁM