Trong quá trình lịch sử của vùng đất Bình Dương, những hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần cũng hình thành để phục vụ nhu cầu cuộc sống, trong đó có đờn ca tài tử (ĐCTT). Do đó, ĐCTT ở Bình Dương hầu hết có mặt trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng trong đời sống mỗi cá nhân hay trong lúc nhàn rỗi… Mỗi nơi có hình thức khác nhau nhưng chung quy đều tập hợp những người mộ điệu mê ca hát.
Sinh hoạt ở các câu lạc bộ
Hầu hết các huyện, thị, thành đều có câu lạc bộ (CLB) ĐCTT chủ lực do Phòng Văn hóa -Thông tin các địa phương tổ chức. Bên cạnh đó, mạng lưới các CLB xã, phường (có nơi có CLB ấp, khu phố) được hình thành và đi vào hoạt động trong nhiều năm qua. Dù đây là tổ chức văn nghệ quần chúng nhưng các CLB ĐCTT sinh hoạt theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý đã đóng góp một phần quan trọng cho việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật âm nhạc cổ truyền này ở Bình Dương.
Tham dự các buổi sinh hoạt định kỳ của các CLB, chúng tôi nhận thấy không chỉ có các thành viên CLB mà còn có sự góp mặt của rất nhiều đối tượng khác. Họ có thể là hội viên của CLB khác mê tiếng đờn, giọng ca mà đến giao lưu; có thể là ông già, bà lão không đủ sức khỏe để tham gia CLB thường xuyên nên thỉnh thoảng nhờ con cháu đưa đến để tận hưởng loại hình nghệ thuật của dân tộc; cũng có thể là những cô, chị hàng xóm bận việc bếp núc, con cái nhưng tranh thủ chút thời gian rảnh rỗi đến thưởng thức âm nhạc. Tất cả những người tham gia không phân biệt là thành viên trong hay ngoài CLB, khi đã đến chơi thì mọi người đều bình đẳng như nhau, ai cũng có quyền được đờn, ca và thưởng thức. Cô Lê Trần Phương Thảo (nghệ nhân Thanh Thảo), Chủ nhiệm CLB ĐCTT huyện Dầu Tiếng nói: “Chính niềm đam mê nghệ thuật ĐCTT đã xóa nhòa mọi khoảng cách, ranh giới trong xã hội, gắn kết mọi người với nhau và cùng nhau làm đẹp thêm bức tranh cuộc sống muôn màu, muôn vẻ”. Không những ca hát vui chơi, những thành viên các CLB còn có hoạt động nề nếp, nhiệt tình tham gia các phong trào hội thi, hội diễn do các cấp, các ngành tổ chức và đạt nhiều thành tích cao.
Tại gia đình
Ngoài những CLB ĐCTT còn có rất nhiều nhóm ĐCTT tự phát khác. Xuất phát từ nhu cầu được thưởng thức và được biểu lộ năng khiếu đờn ca sinh hoạt tự do, ngẫu hứng trong các cuộc vui chơi lúc nhàn rỗi, tiệc tùng, ban nhạc có lượng người ca chiếm đa số; không đầy đủ nhạc cụ, thường từ một đến 2 nhạc cụ, chủ yếu là đàn guitar phím lõm. Khi tiếng đờn cất lên mọi người cùng say sưa “ngâm mình” dưới dòng chảy của ĐCTT.
Đối với hình thức sinh hoạt tại các gia đình tài tử chỉ xuất hiện ở những gia đình có vài thế hệ ĐCTT. Ý thức truyền nghề thường có trong các gia đình yêu chuộng âm nhạc tài tử theo phương thức cha truyền cho con, ông truyền cho cháu, bà con dòng họ truyền cho nhau.
Hình thức trình diễn ĐCTT trên sân khấu liên hoan, hội thi
Theo lời các nghệ nhân ưu tú, trước đây sau buổi cơm chiều thì hòa đờn để tiêu khiển là thú vui tao nhã của các gia đình nghệ nhân, tài tử. Đó là dịp để thế hệ trước dạy ngón đờn, lời ca cho thế hệ sau. Ở TP.Thủ Dầu Một có gia đình của Kiều My - NNƯT; hay gia đình NNƯT Tấn Xuân ở TX.Tân Uyên; gia đình Kim Anh ở huyện Dầu Tiếng với 4 thế hệ chơi nhạc tài tử. NNƯT Kiều My tâm sự: “Gia đình tôi trước kia rất coi trọng buổi hòa nhạc trong gia đình. Do đó, mỗi lần tiếng đờn vang lên, con cháu đều tập trung lại để cất cao giọng hát. Ca hát không chỉ giúp các thế hệ trong gia đình luôn diễn ra trong bầu không khí đoàn kết thân tình, yêu thương quý trọng lẫn nhau”. “Đối với loại hình sinh hoạt ngẫu hứng, hoặc gia đình đã góp sức lớn trong việc phổ biến, quảng bá và truyền nghề loại hình nghệ thuật, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của Bình Dương”, NNƯT Thu Hồng tâm sự.
Trình diễn trên sân khấu
Thạc sĩ Nguyễn Chính, người chuyên nghiên cứu ĐCTT tại Bình Dương, giảng viên trường Đại học Trà Vinh nói, tại Bình Dương, một trong những dạng thức của ĐCTT có tính định kỳ hàng năm là biểu diễn trên sân khấu liên hoan, hội thi hoặc biểu diễn phục vụ các ngày lễ lớn trong năm theo yêu cầu của địa phương. Vào những dịp trên, các nghệ nhân, tài tử có cơ hội phô diễn tài năng, đưa cái hay cái đẹp vào trong chương trình tham dự. Đây cũng là dịp để các địa phương trong tỉnh giới thiệu những sáng tác tự biên và ngón đờn, giọng ca nổi tiếng của nghệ nhân, tài tử. Qua liên hoan, hội thi có thể đánh giá được phần nào chất lượng nghệ thuật của mỗi đơn vị tham gia. Những cuộc trình diễn lớn là cơ hội để các CLB, ban nhóm gặp gỡ, giao lưu. Đó cũng là cơ hội để các nghệ nhân, tài tử cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để ngày càng nâng cao “ngón nghề”, đẩy mạnh phong trào sáng tác, dàn dựng chương trình với nội dung phong phú, mới lạ nhằm tích lũy được nhiều bài bản hay phục vụ kịp thời nhu cầu của đông đảo quần chúng trong các dịp lễ, tết. Trình diễn trên sân khấu còn xuất hiện thông qua các chương trình giao lưu văn nghệ. Những chương trình này đa số được tổ chức tại các thiết chế văn hóa theo định kỳ, hoặc vào các ngày lễ lớn trong năm từ cấp tỉnh đến cơ sở. Những chương trình này nhằm ca ngợi truyền thống đẹp của địa phương, giới thiệu những sáng tác hay. Ở khía cạnh chính trị, những chương trình biểu diễn này góp phần làm tốt công tác cổ động tuyên truyền có hiệu quả chính sách, pháp luật Nhà nước thông qua hình thức ĐCTT.
Có thể thấy mọi hình thức sinh hoạt trong xã hội đều xuất phát từ nhu cầu vật chất cũng như tinh thần. Người dân Bình Dương tự nguyện đến với sinh hoạt ĐCTT cũng chính là để thỏa mãn nhu cầu được thưởng thức nghệ thuật và nhu cầu được bộc lộ năng khiếu, sự ham thích của mình về loại hình âm nhạc dân tộc này. Cũng từ các dạng thức sinh hoạt ấy mà đã lan truyền niềm đam mê, góp phần lưu giữ nghệ thuật ĐCTT.
THIÊN LÝ