Đa dạng hóa thị trường, giữ ổn định sản xuất

Cập nhật: 14-03-2023 | 08:18:53

Trong bối cảnh thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, các doanh nghiệp (DN) tìm cách xoay sở để duy trì sản xuất và hạn chế để lực lượng lao động mất việc. Bài toán đa dạng hóa thị trường xuất khẩu một lần nữa được đặt ra khi một số thị trường lớn, bạn hàng truyền thống bị giảm sút.

Thử thách khó lường

Theo Sở Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2-2023 ước tăng 23,3% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy vậy, lũy kế 2 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp giảm 3,8% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,5%. Con số trên cho thấy các diễn biến bất lợi của thị trường từ nửa cuối năm 2022 vẫn đang tiếp diễn, dự báo sẽ kéo dài trong nửa đầu năm 2023 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nói chung, DN xuất khẩu nói riêng gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh khó đoán định, các DN vẫn đang nỗ lực tìm cách xoay sở để thích ứng nhằm duy trì sản xuất.

Theo ông Vương Siêu Tín, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long (TX. Tân Uyên), hiện nay, với khó khăn chung của tình hình thế giới công ty nỗ lực để chia sẻ với khách hàng, nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã của sản phẩm để kích cầu tiêu dùng. “Hiện 90% thị trường của công ty là xuất đi Mỹ. Thời điểm này chúng tôi nỗ lực tự thân, đầu tư cho nghiên cứu thiết kế, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Tất cả để giữ chân được khách hàng”, ông Vương Siêu Tín chia sẻ.

Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long (TX.Tân Uyên) nỗ lực đầu tư cho các hoạt động thiết kế, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường

Cũng như Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Sao Nam (KCN Nam Tân Uyên), trước đây có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và thị trường này chiếm khoảng 90% lượng xuất khẩu của công ty. Song từ năm 2022 nhu cầu từ quốc gia này tiếp tục giảm mạnh. Trong các tháng đầu năm 2023 số lượng đơn hàng chỉ đạt khoảng 60 - 65% của cùng kỳ năm ngoái.

Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Sao Nam, cho biết trước tình hình đó, công ty đã nỗ lực để tìm kiếm các thị trường khác như Úc, Canada… để bù đắp phần nào sự sụt giảm từ thị trường chính. Hiện có các nhà nhập khẩu ván gỗ Úc chuyển nguyên liệu sang cho công ty theo hình thức tạm nhập tái xuất, công ty sẽ thực hiện các công đoạn gia công để thành phẩm, đóng gói và xuất trở lại cho họ. Tỷ trọng tham gia vào các sản phẩm này chỉ khoảng 40 - 50%, nhưng đây là sự thích nghi với thời điểm thị trường Mỹ quá khó.

Điểm tựa từ công nghệ

Khác với trước đây, khi gặp khó khăn các DN thường vạch ra kế hoạch ứng phó dựa trên các dự báo về khả năng và thời gian phục hồi. Đợt suy giảm đơn hàng từ sau nửa năm 2022 đến nay được các chuyên gia và DN đánh giá là khó lường trước diễn biến tiếp theo. Chính vì thế các DN đều nỗ lực tự thân để vượt qua thách thức.

Tại Công ty TNHH Takako Việt Nam (KCN VSIP I), trao đổi với chúng tôi, giám đốc sản xuất Lê Duy Nhất Luận cho biết Công ty Takako Việt Nam đầu năm 2023 vừa nhận thêm một số mẫu mã hàng mới từ công ty mẹ. Và đây là đơn hàng buộc công ty phải có kế hoạch nâng cao năng suất, hạ giá thành, đáp ứng yêu cầu của công ty mẹ đưa ra. Trước tình hình đó buộc công ty phải tìm ra giải pháp để nâng cao năng suất lao động. Nếu không làm được điều đó sẽ thất bại. “Chúng tôi xem đây là thách thức cũng như cơ hội. Nếu không dựa vào công nghệ, nâng cao năng suất lao động, điều chắc chắn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi trong toàn cầu. Chính vì thế chúng tôi cho rằng việc cải tiến công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm là một hướng đi mà tất cả các DN đều phải hướng đến”, ông Lê Duy Nhất Luận chia sẻ.

Theo bà Đỗ Thị Kim Loan, trong thời điểm hiện nay, muốn theo kịp thị trường phải liên tục đầu tư, cải tiến. Nếu không cải tiến, DN sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Hiện nay công ty đang đầu tư thêm từ 30 - 35% vốn để trang bị máy móc, thiết bị hiện đại hơn. Tất cả nhằm mục tiêu giảm thiểu chi phí, hạ giá thành sản phẩm, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long cũng tiếp tục tuyển thêm 70 công nhân lao động đáp ứng yêu cầu các đơn hàng. Trong thời gian tới, công ty cũng nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ tối ưu hóa chi phí sản xuất, đầu tư cho thiết kế sản phẩm để vượt khó, bảo đảm phát triển bền vững.

Các DN cho rằng đối với mặt hàng tiêu dùng, dự báo các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU sẽ tiếp tục giảm do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế. Thêm vào đó, chu kỳ suy giảm tiêu dùng ở các thị trường quan trọng như Mỹ, EU thường mất ít nhất 1 - 2 năm mới có thể quay lại trạng thái bình thường. Đây là thách thức lớn đối với các DN trong việc duy trì hoạt động, bởi không thể sản xuất sẵn để dự trữ.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên