Đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển

Cập nhật: 20-03-2024 | 08:31:37

Bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm 2024 có nhiều gam màu sáng, với sự bứt phá ấn tượng của xuất khẩu, đầu tư. Đặc biệt, xuất khẩu đang trở lại đà tăng trưởng, sẽ đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh.

 Đa dạng hóa thị trường sẽ hỗ trợ DN tìm kiếm được các đơn hàng mới. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương

 Dấu ấn tăng trưởng

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn rất khó đoán định, nhu cầu hàng hóa tại nhiều thị trường lớn sụt giảm, nhưng kết quả xuất khẩu đạt được của Bình Dương trong 2 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng khá cao là tín hiệu đáng mừng.

Theo Sở Công thương, lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 5 tỷ 341 triệu đô la Mỹ, tăng 28,1% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 1 tỷ 007,8 triệu đô la Mỹ, tăng 31%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4 tỷ 333 triệu đô la Mỹ, tăng 27,5% so cùng kỳ. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp (DN), cơ quan chức năng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác các thị trường truyền thống và thị trường mới, tiềm năng. Mức độ suy giảm thương mại ngày càng giảm từ nửa cuối năm 2023 đã tăng trở lại trong những tháng đầu năm 2024.

Ông Phan Thành Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương, cho biết quý I-2024, công ty ghi nhận sự tăng trưởng khoản 20% đơn hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Đa số đơn hàng vẫn đến từ các khách hàng lâu năm. Lãnh đạo công ty này đánh giá, kết quả trên là tín hiệu khởi sắc không chỉ cho công ty nói riêng mà là toàn ngành dệt may của Bình Dương nói chung.

“Tuy nhiên, bên cạnh những DN hoạt động hiệu quả, tại Bình Dương vẫn còn không ít DN đang gặp khó khăn. Hiệp hội Dệt may cũng đang nỗ lực tìm mọi cách thức nhằm hỗ trợ về đơn hàng. Trước bối cảnh kinh tế còn nhiều điều khó dự báo, DN xuất nhập khẩu vẫn còn đó những nỗi lo, không chỉ nguy cơ suy giảm đơn hàng mà còn lo về chi phí. Việc tối ưu hóa nguồn lực, tiết kiệm chi phí và thời gian là hết sức quan trọng với các DN lúc này”, ông Phan Thành Đức chia sẻ về những khó khăn chung của ngành dệt may.

Ông Vũ Thông Hiệp, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH May mặc Hung Kiu (TP.Tân Uyên), cho biết để thích ứng với thị trường DN đã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, tối ưu hóa quy trình sản xuất. Đồng thời quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Chính vì thế, chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao, đáp ứng thị hiếu, yêu cầu khắt khe của nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước, khẳng định chỗ đứng của thương hiệu, tạo niềm tin, sự hài lòng của người tiêu dùng.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương đánh giá đầu năm 2024 hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đã xuất hiện những tín hiệu khả quan, điều này tạo niềm tin tăng trưởng tích cực trong cả năm. Kết quả đó cho thấy năng lực của các DN đã cải thiện nhiều nhờ sự thích ứng và tận dụng được cơ hội của thị trường. Qua đó, đóng góp khả quan trong bức tranh tăng trưởng xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay. Đây cũng là cơ sở để kỳ vọng mục tiêu xuất khẩu cả năm sẽ tăng trưởng ở mức 9,5% so cùng kỳ như đã đề ra. Kết quả khả quan có được là nhờ số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng. Sự nỗ lực và linh hoạt của các DN trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới tuy đã phục hồi tương đối hiệu quả.

Đa dạng hóa thị trường

Theo bà Dương Tú Trinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Thiện (TP.Tân Uyên), việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ đặt ra nhiều bài toán mới đối với DN, đòi hỏi chương trình xúc tiến thương mại phải được nâng cao và mở rộng, đi kèm với các chính sách mang tính chiến lược của Nhà nước để hỗ trợ DN xuất, nhập khẩu ngày càng hiệu quả hơn.

“Hiện bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều yếu tố tích cực hơn. Chính sách về kinh tế của Mỹ đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024 sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng, không chỉ tại Mỹ mà còn trên toàn cầu. Tuy nhiên, DN còn đối diện với các khó khăn về một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững. Sắp tới DN gặp không ít thách thức là phải hướng tới tiêu chí “xanh””, bà Dương Tú Trinh cho biết .

Theo ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, để tạo điều kiện cho DN, các sở ngành, địa phương cần chủ động vào cuộc, đơn giản hóa thủ tục nhằm tiết giảm chi phí tài chính, thời gian. Hơn lúc nào hết, những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực chất hơn để củng cố niềm tin, tạo động lực sản xuất, kinh doanh cho DN.

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, để tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường, vấn đề cần chú trọng là phát triển được nguồn hàng cho xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, các DN cần nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do để được hưởng nhiều lợi ích từ thuế suất thấp, cơ chế hỗ trợ giữa các thành viên, thông qua việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan.

 Bà Phan Thị Thắng, Thứ Trưởng Bộ Công thương: Thời gian qua, Bình Dương đã làm tốt một số nội dung về xúc tiến thương mại, kết nối xuất khẩu. Trong thời gian tới, Bình Dương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, qua đó giúp DN quảng bá sản phẩm, tiếp nhận thông tin thị trường. Bộ Công thương sẽ tăng cường cảnh báo sớm, hỗ trợ DN phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Cùng với đó định hướng tăng trưởng xuất khẩu sẽ được triển khai theo hướng cụ thể, sâu sát theo từng thị trường và ngành hàng.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên