Dịp lễ Quốc khánh 2-9 là thời điểm để thanh niên công nhân (TNCN) được thư giãn, nghỉ ngơi sau những ngày làm việc căng thẳng. Năm nay, TNCN sẽ có nhiều lựa chọn để đến những địa điểm vui chơi vừa lý thú, vừa tiết kiệm chi phí.
Lựa chọn các địa điểm vui chơi lành mạnh
Dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, người lao động được nghỉ 2 đến 4 ngày tùy từng doanh nghiệp. Với nhiều TNCN ở các tỉnh miền Tây, lân cận Bình Dương việc về thăm quê không quá khó khăn. Tuy nhiên, nhiều TNCN ở xa chọn ở lại Bình Dương nghỉ lễ vì ngán cảnh kẹt xe kéo dài.
Giải đua thuyền truyền thống TP.Thủ Dầu Một hứa hẹn sẽ là chương trình lý tưởng để TNCN, du khách đến xem và cổ vũ. Ảnh: MINH HIẾU
Trò chuyện với chúng tôi, chị Lâm Ngọc My, Công ty Gỗ Yang Chen (phường Bình Hòa, TP.Thuận An) cho biết: “Quanh dãy trọ chỗ tôi đa phần là anh chị em cùng quê ở Sóc Trăng, là đồng bào dân tộc Khơ-me. Năm nay, tôi không về quê mà sẽ ở lại Bình Dương. 3 ngày nghỉ lễ, tôi sẽ cùng người nhà và các bạn tổ chức nấu ăn các món quê hương như lẩu cù lao, bún nước lèo Sóc Trăng...”. Nhắc đến món đặc sản quê hương, ánh mắt chị My sáng lên: “Tôi cũng đã lên kế hoạch sẽ đi chợ mua các loại nguyên vật liệu để nấu món này như: Thịt, chả, gan, phổi, da heo giòn… ăn cùng các loại rau như bắp cải, cà rốt kèm với bún. Chỉ nghĩ đến thôi là tôi thấy thích thú rồi”.
Chị My tâm sự, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên các dịp lễ, ngày nghỉ, các chị cũng không đến các khu du lịch nổi tiếng mà chọn các địa điểm du lịch tâm linh. Địa điểm chị và bạn bè hay chọn là chùa Châu Thới ở TP.Dĩ An hay chùa Tông Kim Quang, còn được gọi là chùa Nước Vàng, tại xã An Bình, huyện Phú Giáo. Đây là ngôi chùa Khơ-me duy nhất tại tỉnh Bình Dương nên nhóm chị rất thích. Đến đây, nhìn kiến trúc ngôi chùa như được trở về quê, làm vơi đi cảm giác nhớ quê, nhớ nhà.
Cũng như chị My, anh Cao Tùng Lăng, (Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương, TP.Thuận An) năm nay cũng quyết định không về quê: “Do ngán cảnh kẹt xe từ Bình Dương về miền Tây và ngược lại nên năm nay tôi quyết định ở lại Bình Dương nghỉ lễ 2-9”. Nghỉ lễ 3 ngày, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Công ty TNHH Nam Cương Việt Nam, TP.Bến Cát), quê ở Đắc Nông cũng quyết định ở lại Bình Dương và cũng đang tìm các địa điểm vui chơi lành mạnh để cả gia đình cùng vui chơi, giải trí.
Nhiều hoạt động vui chơi, giải trí
Để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, đặc biệt là TNCN trong dịp lễ Quốc khánh 2-9, năm nay TP.Thủ Dầu Một đã xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các trò chơi dân gian với nhiều hoạt động hấp dẫn tại phố đi bộ Bạch Đằng. Đây sẽ là nơi lý tưởng cho TNCN, người dân có thể tham gia nhiều hoạt động sôi nổi. Theo đó, nơi đây sẽ diễn ra phiên chợ “Bánh dân gian Nam bộ” từ ngày 29-8 đến 2-9- 2024 với các gian hàng chuyên về các loại bánh dân gian Nam bộ, các món ăn đặc trưng vùng miền. Bên cạnh đó, phiên chợ còn có khu trưng bày và giới thiệu những sản phẩm OCOP.
Tại phố đi bộ Bạch Đằng còn có chương trình giao lưu đờn ca tài tử. Đặc biệt, vào lúc 6 giờ sáng ngày 1-9, TP.Thủ Dầu Một sẽ tổ chức giải chạy “Cung đường những hàng dầu” (mở rộng) năm 2024. Đây là sự kiện thu hút đông đảo vận động viên tham gia và người dân đến cổ vũ. Dự kiến, khoảng 2.000 người sẽ tham gia giải chạy việt dã “Cung đường những hàng dầu” với 3 cự ly: 3km, 5km và 10km. Tối cùng ngày, thành phố cũng tổ chức lễ khánh thành biểu tượng “Cánh hoa dầu”, một biểu tượng nhận diện nét riêng của TP.Thủ Dầu Một. Tại sự kiện này sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi như: Chương trình trình diễn các ban nhạc đường phố, khiêu vũ, liên hoan các nhóm nhảy hiện đại. Ngoài ra, tại đây còn có hoạt động biểu diễn của câu lạc bộ trượt ván, xem nghệ nhân làm tò he, “Ông đồ” viết chữ thư pháp. Trẻ em còn có thể tham gia hoạt động vẽ tranh, tô tượng…
Các chương trình trên hứa hẹn sẽ mang đến không gian sôi động, náo nhiệt cho người dân, TNCN cũng như du khách gần xa khi đến với Bình Dương. Ngoài ra, TNCN có thể đến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh để tham gia hoạt động picnic, dã ngoại như: Công viên thành phố mới Bình Dương, hồ Dầu Tiếng, suối Trúc (huyện Dầu Tiếng), hồ Bình An (TP.Dĩ An)…; các “địa chỉ đỏ” như: Nhà truyền thống TP.Thủ Dầu Một, Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi, Chiến khu Đ, Chiến khu Thuận An Hòa… để tìm hiểu về truyền thống yêu nước, lịch sử đấu tranh cách mạng của thế hệ cha ông...
Sáng ngày 2-9, vào lúc 6 giờ 30 phút sẽ diễn ra giải “Đua thuyền truyền thống TP.Thủ Dầu Một” tại khu vực bờ sông Sài Gòn (phố đi bộ Bạch Đằng) với 2 cự ly 500m và 1.000m. Trong khuôn khổ chương trình còn có phần biểu diễn phản lực nước Flyboard, diễu hành Sup trên sông, diễu hành mô tô nước, biểu diễn nhảy dân vũ vào các khung giờ trước khi khai mạc và giữa các quãng thi đấu của các đội đua thuyền… |
NGỌC NHƯ