Da giày Việt Nam trước cơ hội mới

Cập nhật: 22-03-2011 | 00:00:00

Việc EU chính thức bãi bỏ thuế chống bán phá giá với giày mũ da của Việt Nam từ 1-4 tới được xem là cơ hội để doanh nghiệp giày da đẩy mạnh cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu

 

Da giày là một trong những ngành hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với thị trường rộng lớn như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Năm 2010 là năm gặt hái được nhiều thành công và đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của ngành da giày Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 5,2 tỷ USD. Da giày hiện là một trong 5 ngành xuất khẩu có mức kim ngạch xuất khẩu cao nhất nước. Với đà phát triển như vậy, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu da giày 5,4 tỷ USD trong năm nay có thể sẽ đạt được.

 

 Từ 1-4, thuế chống phá giá giày mũ da vào EU có thể hết hiệu lực 

Một tin vui nữa lại đến với ngành da giày, từ ngày 1-4 tới, thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam chính thức được Liên minh châu Âu bãi bỏ.  Điều đó có nghĩa, một loạt rào cản thương mại đối với sản phẩm giày, dép của Việt Nam do Liên minh châu Âu áp dụng suốt 4 năm qua được xóa bỏ hoàn toàn. Đây sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam mở rộng thị phần sang các nước châu Âu.

 

Trước tin vui này, nhiều doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam đang gấp rút tìm cho mình hướng đi mới, định ra chiến lược phát triển để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu đồng thời vẫn có chỗ đứng vững trên thị trường nội địa, đổi mới phương thức sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm là những phương pháp được các doanh nghiệp tính tới.

 

Ông Phương Thừa Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu da giày Hà Nội cho biết: “Bãi bỏ thuế chống bán phá giá là một trong những thuận lợi của các doanh nghiệp sản xuất giày dép, các doanh nghiệp xuất khẩu giày vào EU sẽ có nhiều cơ hội để gia tăng đơn hàng cũng như sản lượng, đẩy mạnh xuất khẩu giảm nhập siêu. Theo tôi, các doanh nghiệp cần có chiến lược để quản lý sản xuất tốt, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm và có thêm định hướng mang tính chất chuyên sâu rồi có những sản phẩm truyền thống”.

 

Cơ hội mở rộng xuất khẩu đã rõ, nhưng theo bà Nguyễn Thị Tòng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam, sự phát triển của ngành da giày vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững, điển hình là thiếu nguyên liệu, lao động không ổn định, sự cạnh tranh quyết liệt của các nước xuất khẩu da giày. Vì vậy, trong chiến lược phát triển của mình, ngành Da giày luôn chú trọng củng cố thị trường nội địa. Mới đây, Hiệp hội Da giày Việt Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Da giày Việt Nam xây dựng định hướng phát triển cho ngành giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến 2025, trong đó phát triển thị trường nội địa là một trong những chiến lược hàng đầu của ngành.

 

Bà Nguyễn Thị Tòng nhấn mạnh: Trong quy hoạch phát triển đến năm 2020,  ngành chú trọng phát triển thị trường nội địa, định hướng các doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa với 87 triệu dân. Khi phát triển được thị trường nội địa buộc các doanh nghiệp sẽ quan tâm đến việc phát triển thương hiệu và nhãn hiệu riêng để có thể đứng vững trên thị trường và từ đó mới thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của chính mình.

 

Hiện nay, phát triển thị trường nội địa là giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam. Khi quay về chiếm lĩnh được thị trường nội địa, phát triển các sản phẩm da giày cao cấp…, ngành da giày sẽ giảm dần được tỷ lệ gia công hàng, xây dựng được thương hiệu với thị trường quốc tế và xuất khẩu ở phân khúc thị trường cao hơn, có giá trị kinh tế hơn, đảm bảo sự phát triển bền vững.  Cùng với đó, các chuyên gia thị trường trong ngành da giày cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao sự phát triển như: Chăm lo hơn nữa đời sống của người lao động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, có cơ chế chính sách ưu đãi để người lao động thực sự gắn bó với nghề, nâng cao tay nghề, cải tiến kỹ thuật, tạo ra nhiều mẫu mã mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.

 

Bà Nguyễn Thị Tòng cũng cho biết, về nguyên tắc sản xuất, ngành yêu cầu các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của người dân trong nước và người dân quốc tế, bởi hiện nay yêu cầu của người tiêu dùng rất cao. Nếu sản phẩm không đáp ứng yêu cầu nó sẽ bị loại khỏi thương trường.

 

Mục tiêu chiến lược ngành da giày đặt ra đến năm 2020 là đạt kim ngạch xuất khẩu từ 13-14 tỷ USD sản phẩm giày dép các loại, chủ động đến 80% nguyên phụ liệu, chiếm lĩnh trên 60% thị trường nội địa. Với những tiềm năng và thuận lợi sẵn có, cùng với việc xóa bỏ rào cản thương mại của Liên minh châu Âu, hy vọng trong tương lai, ngành da giày Việt Nam sẽ có diện mạo mới, kim ngạch xuất khẩu tăng, thị trường xuất khẩu mở rộng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên