Dấu xưa, Dầu Tiếng oai hùng! - Bài 3

Cập nhật: 12-03-2015 | 10:03:00

 Bài 3: Xé toang tuyến phòng ngự Bắc Sài Gòn

Cách đây đúng 40 năm, lúc 10 giờ ngày 13-3-1975, chiến dịch tiến công giải phóng Dầu Tiếng kết thúc thắng lợi. Sau Phước Long, Dầu Tiếng trở thành một trong những địa phương giải phóng sớm nhất của miền Đông Nam bộ. Giải phóng Dầu Tiếng đã phá vỡ mắt xích quan trọng trong tuyến phòng ngự Bắc Sài Gòn, làm cho “Sài gòn nguy kịch, ngụy quyền lung lay”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chuẩn bị chu đáo  

Tượng đài Chiến thắng Dầu Tiếng, nơi ghi nhận chiến công oanh liệt của quân và dân Dầu Tiếng cách đây 40 năm. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Trong những ngày tháng 3 lịch sử này, chúng tôi về thăm lại Dầu Tiếng, một vùng đất anh hùng. Ở nơi đây, bao tên đất, tên làng được nhuộm bằng máu, bằng xương của những người con ưu tú. Để hôm nay, tên đất, tên người còn mãi vang danh...

Những người từng trực tiếp chỉ huy, tham gia chiến đấu năm xưa không còn nhiều; đa phần đã tuổi cao sức yếu. Tuy nhiên, với họ, những ký ức về trận đánh, chiến thắng lịch sử của chiến thắng Dầu Tiếng dường như chỉmới xảy ra ngày hôm qua… Ông Trương Văn Tươi, nguyên Bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng là một trong số đó. Trong những năm tháng cam go, ác liệt nhất, ông là Bí thư Huyện ủy, người trực tiếp tham gia chỉ huy chiến dịch. Ông kể lại: “Trước mùa khô 1974- 1975, cục diện chiến trường đã có những bước chuyển quan trọng. Trên địa bàn huyện Dầu Tiếng và Bắc Bến Cát, ta có vùng giải phóng rộng lớn áp sát vùng tranh chấp, hình thành thế bao vây lấn địch. Người dân các vùng bung về sản xuất ngày càng tăng; các mặt xây dựng kinh tế, chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang đều có tiến bộ”.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Thủ Dầu Một có Nghị quyết “Đánh bại chính sách bình định lấn chiếm của Mỹ - ngụy, tiến lên hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”. Và đến cuối tháng 11-1974, nghị quyết này đã được triển khai, quán triệt xuống tận cơ sở trong toàn huyện. Đầu tháng 12-1974, Đảng bộ huyện Dầu Tiếng đã tiến hành hội nghị đại biểu. Hội nghị đã đặt ra yêu cầu phải xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị trước yêu cầu ngày càng cao và rất khẩn trương của chiến dịch mùa khô. Sự phát triển chung trên chiến trường của tỉnh và toàn miền đang tạo ra thuận lợi để Dầu Tiếng đẩy mạnh đấu tranh, kết hợp hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang, đánh càn quét lấn chiếm với đấu tranh chính trị của quần chúng, nhất là công nhân đòi tự do đi làm ăn, đấu tranh chống địch bắt xâu, bắt lính; kết hợp đẩy mạnh công tác binh vận, phá vỡ làm vô hiệu hóa lực lượng phòng vệ dân sự của địch trong các ấp chiến lược.

Nghị quyết Hội nghị đại biểu Đảng bộ huyện đã nhanh chóng trở thành chương trình hành động ở tất cả các chi bộ, cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang. Ban chấp hành Huyện ủy ra lời kêu gọi động viên toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn thể, toàn thể quân và dân trong huyện hăng hái thi đua tích cực chuẩn bị và đẩy mạnh mọi mặt hoạt động, sẵn sàng đón thời cơ mới với quyết tâm cao giành thắng lợi quyết định trong mùa khô 1974-1975.

Bước sang đầu năm 1975, chiến dịch mùa khô 1974-1975 mở rộng ra khắp các chiến trường. Ngày 6-1-1975, tỉnh Phước Long được hoàn toàn giải phóng, cách mạng miền Nam đứng trước một bước ngoặt lớn. Vùng giải phóng được mở rộng. Huyện ủy Dầu Tiếng khi đó nhận được chỉ thị chuẩn bị phối hợp cùng với các đơn vị chủ lực giải phóng địa bàn khi thời cơ đến.

Để kịp thời phối hợp với lực lượng bộ đội chủ lực Miền, từ cuối tháng 2-1975, Đảng bộ, quân và dân Dầu Tiếng đãkhẩn trương thực hiện hàng loạt công việc cấp bách. Huyện ủy chỉ đạo triển khai các mặt chuẩn bị về công tác hậu cần, kế hoạch sẵn sàng phối hợp tác chiến và tiếp quản sau giải phóng. Ban Chỉ huy Huyện đội phân công cán bộ tác chiến trực tiếp sử dụng lực lượng du kích xã Thanh An (hơn 20 tay súng) vây ép, bắn tỉa, pháo kích, bao bó thường xuyên đồn Suối Dứa, cầm chân địch không cho chúng bung ra lùng sục thăm dò công tác chuẩn bị của ta. Và đến ngày 10-3-1975, mọi lực lượng tham gia vào chiến dịch giải phóng Dầu Tiếng đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị và hợp đồng tác chiến. Tất cả đã sẵn sàng bước vào chiến đấu.

Thời khắc quyết định

Sáng ngày 11-3, chiến dịch giải phóng Dầu Tiếng bắt đầu. Trong khi các mũi tiến công của lực lượng Sư đoàn 9, Trung đoàn 16 đồng loạt nổ súng tiến công địch ở Bến Củi, cầu Tàu, Ông Hùm; thì tại khu vực Suối Dứa, Đại đội 64 cùng đội biệt động của huyện và du kích Thanh An, dùng cối 60 ly pháo kích bắn uy hiếp cầm chân địch. Kết hợp pháo kích, bao bó, vây ép, cán bộ binh vận của huyện phát loa kêu gọi địch ra hàng, đồng thời vận động gia đình binh sĩ thuyết phục chồng, con, em quay về với nhân dân. Trước áp lực từ mọi phía của ta, đại đội bảo an đóng đồn ấp chiến lược Suối Dứa sợ hãi bỏ đồn, vượt suối chạy trốn về chi khu Dầu Tiếng. Nhân dân ấp Suối Dứa được tổ cán bộ công tác của huyện và xã Thanh An giúp đỡ, đưa đồng bào về ấp Bến Thành, ấp 7 xã Thanh An tạm lánh.

Còn tại khu vực thị trấn, mũi tiến công của các lực lượng vũ trang ta đánh chiếm sân bay, diệt đồn tam giác, đánh địch trong chi khu, chốt Vườn Chuối, ngã ba Ba Rắc, Cầu Tàu... Bọn địch đóng chi khu, đồn tam giác rút xuống hầm ngầm cố thủ và chống cự quyết liệt. Sau những đợt pháo 130 ly bắn cấp tập vào các vị trí quân sự còn lại của địch trong các chi khu, các cánh quân của Sư đoàn 9 nhanh chóng đánh chiếm, giữ vững các vị trí trọng yếu trong thị trấn. Tên Quý, quận trưởng lột bỏ cả quân phục trà trộn trong số dân chạy về phía Cầu Tàu lẩn trốn qua xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh.

Ông Trương Văn Tươi nhớ lại: “Trong phút chốc, toàn bộ vườn cây cao su của Dầu Tiếng trở thành bãi chiến trường ác liệt. Công nhân cao su Dầu Tiếng, dưới làn mưa bom, bão đạn của địch vẫn dũng cảm xông lên làm trinh sát, dẫn đường cho các đơn vị vũ trang đánh chiếm các mục tiêu trong thị trấn, tham gia tải thương, tiếp đạn, tiếp lương thực cho các đơn vị chiến đấu. Ban tiếp đón Huyện ủy huy động lực lượng và phương tiện đưa phần lớn dân từ vùng địch tạm chiếm ra ngoài theo các điểm đã chuẩn bị trước…”.

Và đúng 10 giờ sáng ngày 13-3-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh quận trưởng Dầu Tiếng. Bộ máy ngụy quyền địch ở Dầu Tiếng hoàn toàn tan rã. Dầu Tiếng hoàn toàn giải phóng, vùng giải phóng của tỉnh được mở rộng nối liền với các căn cứ của miền Đông, tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực cơ động triển khai các đơn vị binh khí mỹ thuật hiện đại và là bàn đạp cho các binh đoàn chủ lực tiến công các mục tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn từ hướng Đông Bắc và Tây Bắc được thuận lợi.

Chỉ 3 ngày sau khi trận “điểm huyệt” giải phóng Buôn Ma Thuột, huyện Dầu Tiếng, một địa bàn có ý nghĩa chiến lược áp sát sào huyệt cuối cùng của địch ở Sài Gòn đãđược giải phóng. Đây là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự phát triển chung trên chiến trường của tỉnh và toàn Miền, tạo thêm những thuận lợi quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng toàn diện trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong trận đánh giải phóng Dầu Tiếng, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.329 tên địch; tiêu diệt gọn 3 tiểu đoàn, 1 chiến đoàn thiết giáp và 4 trung đoàn pháo...; bắn rơi 7 máy bay, phá hủy hơn 20 xe tăng, thiết giáp, 2 khẩu pháo và 1 khu thông tin; thu trên 1.000 súng các loại; 4 xe M113 và tăng M41; 25 máy thông tin vô tuyến điện…và đưa hơn 6.000 quần chúng sơ tán ra khỏi khu vực tác chiến.

 

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3063
Quay lên trên