“Đặc sản” của địa phương tỏa sáng trên sân khấu chuyên nghiệp

Cập nhật: 05-11-2024 | 09:36:20

Ngoài múa lân - sư - rồng, Bình Dương còn có nét văn hóa dân gian đặc sắc là “múa hẩu”. Theo dòng chảy thời gian, các nghệ nhân ở Bình Dương vẫn giữ được kỹ thuật làm hẩu và truyền thống múa độc đáo.


Tiết mục múa “Hồn Hẩu” do Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương biểu diễn tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 (đợt 2)

Ông Vương Quang Tính, cố vấn nghệ thuật đoàn hẩu Phước Võ Điện (TP.Thủ Dầu Một), cho biết múa hẩu mang đậm tính chất tín ngưỡng, trang nghiêm. Hẩu không dùng để múa biểu diễn phục vụ vui chơi, giải trí như múa lân, múa sư, múa rồng mà chỉ xuất hiện trong các lễ cúng.

Ngoài đoàn hẩu Phước Võ Điện, Bình Dương còn có 4 đoàn hẩu gốc họ Vương và 5 đoàn hẩu lớn khác. Hàng năm, hầu hết các đoàn đều tổ chức nghi thức khai quan điểm nhãn và biểu diễn phục vụ trong cộng đồng. Vào dịp tết, các đoàn sẽ đến chúc xuân các chùa, đình và các gia đình trong cộng đồng, hy vọng mang nhiều may mắn, tài lộc đến mọi người để nhà nhà, người người đều đón tết, vui xuân đầm ấm, an lành.

Để vẽ nên hình tượng oai phong và truyền thần vào Hẩu, người làm Hẩu phải tốn nhiều công sức để vẽ sao cho Hẩu xuất hiện trong những lễ hội trang nghiêm, cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Theo dòng chảy thời gian, các nghệ nhân ở Bình Dương vẫn giữ được kỹ thuật làm Hẩu và truyền thống múa độc đáo.

NSƯT Đoàn Quốc Linh, Trưởng đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh (thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh), cho biết với mong muốn truyền tải nét đặc sắc của múa Hẩu đến khán giả, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh đã chỉ đạo Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc thực hiện tiết mục về múa Hẩu. Theo đó, đoàn cùng các biên đạo múa đã đi tìm hiểu lịch sử, văn hóa của nghề làm Hẩu và nghệ thuật múa Hẩu. Từ đó, câu chuyện về truyền lửa nghề giữa các thế hệ đã tạo mạch nguồn cảm xúc cho NSƯT Tạ Thùy Chi và biên đạo múa Phạm Thế Chung dàn dựng cho các diễn viên tập luyện trong hơn 1 tháng với tiết mục “Hồn Hẩu” tham dự Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 (đợt 2).

Có thể nói đây là bài “đinh” trong phần dự thi của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương. Ở đó có tính văn hóa đặc trưng của Bình Dương kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật mới, vừa có kỹ thuật biểu diễn khó, đã tạo cảm xúc cho người xem, qua đó đã chinh phục khán giả và Hội đồng nghệ thuật, xuất sắc đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 (đợt 2).

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=78
Quay lên trên