Đối với con người, ngủ gật vài giây là dấu hiệu của thiếu ngủ và có thể khiến chúng ta gặp nguy hiểm trong một số tình huống như đang lái xe. Tuy nhiên, cách ngủ này lại là đặc tính có lợi của loài chim cánh cụt Chinstrap (chim cánh cụt quai nón) ở Nam Cực.
Chim cánh cụt Chinstrap trên đảo King George.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science ngày 30/11, các nhà khoa học phát hiện chim cánh cụt Chinstrap ngủ hàng nghìn lần mỗi ngày, mỗi lần trung bình 4 giây và tổng thời gian ngủ là hơn 11 giờ/ngày. Theo các nhà khoa học, loài chim cánh cụt Chinstrap có đặc điểm tiến hóa này vì chúng thường xuyên phải cảnh giác.
Chim cánh cụt Chinstrap (quai mũ) - tên khoa học Pygoscelis antarcticus - được đặt tên theo dải lông màu đen mỏng kéo dài từ tai này sang tai khác. Đây là loài chim cánh cụt có số lượng lớn nhất, hiện chúng có gần 8 triệu cặp sinh sản. Loài này chủ yếu sống ở Nam Cực và các đảo Nam Đại Tây Dương.
Khi làm tổ, một trong đôi chim cánh cụt phải trông chừng bảo vệ trứng của chúng khỏi những kẻ săn mồi là loài chim biển skua (còn gọi là chim cướp biển) trong khi bạn tình đi kiếm ăn trong nhiều ngày.
Theo TTXVN