Góp ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan chức năng cần thể hiện quyết tâm cao trong việc hoàn thành sớm bảng giá đất để phục hồi thị trường bất động sản.
Quang cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 7/4.
Sáng 7/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Xây dựng bảng giá đất theo định kỳ 3 năm thay vì 1 năm
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, việc xác định giá đất, phương pháp xác định giá đất hiện nay có những điểm chưa phù hợp, chưa thể hiện sự công khai, minh bạch, đã gây nên những vấn đề tiêu cực, làm ảnh hưởng đến chính sách về đất đai của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Do đó, những quy định mới cần được xem xét sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp, khả thi và hiệu quả, nhưng cũng cần quan tâm đến độ giãn về thời gian áp dụng quy định, cách thức xác định giá đất theo phương pháp mới.
Đại biểu đề xuất xem xét đến việc áp dụng phương pháp hệ số để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Đối với quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm (khoản 1, Điều 155, Dự thảo Luật), đại biểu đề nghị nên sửa đổi thành xây dựng theo định kỳ 3 năm để tránh lãng phí về thời gian tổ chức và các quy trình xây dựng bảng giá đất.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cũng đề nghị bổ sung vào khoản 3, Điều 155 quy định bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ tính hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi thực hiện dự án.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) đề nghị cơ quan chức năng cần thể hiện quyết tâm cao trong việc hoàn thành sớm bảng giá đất để phục hồi thị trường bất động sản đang gặp khó khăn hiện nay.
Liên quan vấn đề thu hồi đất, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh Khoản 3, Điều 89, Dự thảo Luật về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo hướng: Đối với các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được xem xét bồi thường bằng đất khác có giá trị, vị trí tương ứng với đất đã thu hồi, hoặc bồi thường bằng tiền; và cần bổ sung quy định cụ thể về các tiêu chí xem xét hỗ trợ, mức hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất tại Điều 104, Dự thảo Luật.
Giao UBND cấp tỉnh quyết định việc thu hồi đất quốc phòng, an ninh
Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng hiện nay quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh rất nhiều lần, đặc biệt tương đối bị động ở cấp huyện, cấp tỉnh do phải đợi thay đổi theo quy hoạch, kế hoạch tổng thể ở cấp cao hơn.
Do vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật, xây dựng mối quan hệ và quy trình thuận lợi để thực hiện thống nhất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng cấp để hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch bị động của các địa phương hiện nay.
Theo đại biểu, việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương cũng cần đặc biệt quan tâm. Điều 66 của Dự thảo Luật đã quy định về nội dung này, theo đó, tùy từng cấp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ có các hình thức lấy ý kiến khác nhau.
Đại biểu cho rằng, để tránh việc lấy ý kiến trở nên hình thức, không phát huy hiệu quả, cần quy định cụ thể việc đăng tải công khai thông tin lấy ý kiến tại trụ sở làm việc hay cổng thông tin điện tử để nhân dân được biết và tiếp cận dễ dàng.
Việc thông báo địa điểm, thời gian công khai, minh bạch kế hoạch sử dụng đất có thể thông qua những hình thức nhân dân dễ thấy, dễ tiếp cận như thông qua loa phát thanh, kênh truyền hình địa phương để nhân dân biết và tham gia ý kiến.
“Đây là nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nên việc lấy ý kiến càng rộng rãi bao nhiêu sau này càng hạn chế được những phản ánh, khiếu nại của người dân bấy nhiêu”, đại biểu nói.
Có chung quan điểm, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị coi việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một bước bắt buộc trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đồng thời, phải xác định rõ đối tượng nhân dân được lấy ý kiến là những tổ chức, cá nhân nằm trong khu vực chịu sự tác động của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Liên quan thẩm quyền thu hồi đất đối với đất quốc phòng, an ninh tại Điều 79 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng nên cân nhắc lựa chọn giao thẩm quyền quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh cho UBND cấp tỉnh, bởi vì ngay từ giai đoạn giao đất, dự thảo Luật cũng đã quy định thẩm quyền giao đất quốc phòng, an ninh thuộc về UBND cấp tỉnh.
Điều này cũng thống nhất với quy định tại khoản 2, Điều 195 là UBND cấp tỉnh chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước đối với việc cấp đất quốc phòng, an ninh thuộc địa bàn quản lý hành chính của địa phương.
Theo đại biểu, việc giao thẩm quyền thu hồi đất cho UBND cấp tỉnh sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tránh chồng chéo quản lý giữa các cấp trong vấn đề này.
Đồng thời, với quy định yêu cầu trước khi UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh cần có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ như trong dự thảo Luật, cùng với đó là công tác tham mưu của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho Thủ tướng Chính phủ thì sẽ vẫn kiểm soát được vấn đề phát sinh liên quan đến bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Theo NDO