Các đại biểu thảo luận ở tổ về phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 sáng 21/10, nhiều đại biểu đã thẳng thắn đóng góp những ý kiến để làm rõ các báo cáo của Chính phủ qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Nhận diện thách thức
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, (đoàn Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lo ngại dù dịch bệnh đã được kiểm soát song vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát rất lớn.
Trong khi đó, công tác phòng chống dịch có thể ví như chữa cháy nên tất cả phải vào cuộc ngay, do vậy ban đầu sẽ khó tránh khỏi các sơ sót nhất định.
Tuy vậy, theo đại biểu này, quan trọng nhất là chính quyền địa phương biết lắng nghe và điều chỉnh kịp thời.
Dẫn chứng việc một số địa phương áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly quá rộng, quá dài với các biện pháp quá mức cần thiết, thậm chí ngay trong một địa phương nhưng cũng có những quy định không thống nhất, bà Thủy nêu thực trạng: “Có tỉnh đưa biện pháp cao hơn Chính phủ trong khi huyện, quận lại đưa biện pháp cao hơn cả tỉnh, còn xã-phường cũng lại đưa ra cao hơn quận, huyện.”
Vì vậy, theo vị đại biểu của đoàn Bắc Kạn, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không chỉ cần tiếp sức để có vốn sản xuất mà các quy định ban hành phải thống nhất từ Trung ương xuống địa phương để giúp họ yên tâm phát triển.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng tạo ra khoảng trống về lao động tại một số địa phương, đặc biệt là phía Nam.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, đoàn Kiên Giang cho rằng muốn đào tạo được một lao động quen việc thì phải mất một năm, còn người công nhân có tay nghề cao phải mất 5 năm hoặc 10.000 giờ lao động.
Bởi vậy, theo ông Tuấn, cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể trong vấn đề phòng chống dịch bệnh, giúp doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất-kinh doanh.
Nhấn mạnh thêm ý kiến trên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc lao động di chuyển về các địa phương cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh, bởi nhiều trong số đó vẫn chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Từ đó, ông đề nghị Chính phủ cần phân vùng để thực hiện có lộ trình cụ thể; đồng thời đẩy nhanh việc chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.
Cần những giải pháp căn cơ
Tại phiên họp tổ, các ý kiến đưa ra đều rất quan tâm đến các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.
Dẫn ý kiến của cử tri, theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải phòng), nhiều chính sách đưa ra rất đúng nhưng quá trình tổ chức thực hiện thường vướng.
Cùng với đó, nếu không tập trung để thích ứng an toàn thì cũng không có bình thường mới và đồng nghĩa với việc không thể phục hồi được nền kinh tế theo đúng như kế hoạch mà Chính phủ mong muốn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ ngày 21/10. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Với đánh giá trên, đại biểu Nguyễn Chu Hồi nêu ra một số giải pháp, trong đó ông nhấn mạnh khâu dự báo, cảnh báo là rất quan trọng.
“Với cuộc chiến chống đối thủ vô hình nếu chúng ta không làm tốt khâu này thì quá trình vận dụng sẽ khó. Hơn nữa, không coi trọng khoa học công nghệ chúng ta sẽ khó dự báo và cảnh báo và sẽ khó cho điều hành vĩ mô,” ông nói.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng đề nghị cần có những biện pháp khai thác tiềm năng lợi thế hợp lý để phát triển tiềm năng kinh tế biển. Tiếp tục mở rộng để tăng nguồn thu bằng tăng khai thác dầu khí do giá dầu đang lên…
Qua làn sóng lao động di cư về quê vừa qua, đại biểu Quốc hội Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đề nghị cần chính sách rõ ràng hơn phát triển kinh tế nông thôn, phải định vị vấn đề trọng tâm của phát triển kinh tế nông thôn là gì.
"Có đúng kinh tế tập thể, hợp tác xã là mấu chốt hay không, nếu đúng thì phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển mô hình này. Vấn đề này, chúng ta đã có luật, có chính sách nhưng thực hiện chưa mạnh mẽ," đại biểu Lương Quốc Đoàn nói.
Trong khi đó, đại biểu Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế. Trong đó phải tiếp cận theo cả 2 hướng cả về cung và cầu của nền kinh tế.
“Kinh nghiệm các nước cho thấy cần có những biện pháp tài khoá để kích thích tổng cầu. Điều này rất quan trong bởi sau làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 đời sống người dân rất khó khăn khiến tổng cầu giảm. Ngoài ra kích thích tổng cung cũng rất quan trọng, khi tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất đã diễn ra,” đại biểu Sơn nêu ý kiến./.
Theo TTXVN