Gần đây, có nhiều thông tin phản ánh về việc giá sách giáo khoa mới tăng 2-3 lần so với trước đây và năm nào cũng thay sách giáo khoa gây lãng phí, tốn kém.
Về vấn đề này, bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng cho rằng việc cử tri băn khoăn về giá sách giáo khoa là đúng và các bộ, ngành liên quan cần phải trả lời cho rõ, rộng đường trong dư luận.
"Sách giáo khoa là dịch vụ thiết yếu, nên cần phải định giá cho phù hợp, không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà đẩy giá sách lên được. Do vậy, nhà nước cần phải quản lý giá, định giá, thậm trí phải trợ giá," Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.
Đại biểu Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phan Viết Lượng bày tỏ băn khoăn việc sách giáo khoa có cần sử dụng vật liệu tốt, in đẹp quá hay không? Bởi theo ông, làm sách giáo khoa cần phải tính đến tuổi thọ sách, đối tượng sử dụng nên các đơn vị phát hành cần cân nhắc chất lượng in, vật liệu cho phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng có những lo ngại về tính hữu dụng của các bộ sách giáo khoa khi không thể sử dụng nhiều lần vì mỗi năm lại có một bộ sách mới.
"Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã giải thích vì sao sách giáo khoa hiện nay đắt hơn trước là do giấy tốt hơn, khổ to hơn, in đẹp hơn và cũng có yếu tố xã hội hóa. Tuy nhiên, giá sách tăng mạnh sẽ trở thành gánh nặng với nhân dân, nhất là với những gia đình có nhiều con đi học, các hộ nghèo,” đại biểu Nguyễn Anh Trí cho hay.
Để giá sách giáo khoa không trở thành gánh nặng đối với nhiều hộ gia đình, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị nhà nước có chính sách trợ giá trong in sách giáo khoa, coi đây là một hàng thiết yếu nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh được tiếp cận với tri thức thuận lợi hơn.
Trước đó, vào ngày 25/5, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã thông tin về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa đang được dư luận, nhân dân đặc biệt quan tâm.
Ông Sơn nêu rõ các loại sách giáo khoa mới được biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn, quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính. Tuy nhiên, phần giải trình này của Bộ trưởng cũng đã làm dấy lên những lo ngại về việc giá các loại sách giáo khoa sẽ tiếp tục tăng khi đây là mặt hàng đã được xã hội hóa./.
Theo TTXVN