Đại chiến II - cuộc chiến thay đổi cả thế giới

Cập nhật: 08-05-2010 | 00:00:00

Trong lúc Nga và các nước đồng minh chuẩn bị kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng phát xít, RIA Novosti giới thiệu bài viết về những ảnh hưởng to lớn mà Thế chiến II đem đến cho nhân loại, và ảnh hưởng của nó tới các cuộc chiến sau này.

Khi cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại lùi dần vào quá khứ, những ảnh hưởng của nó trên toàn cầu ngày càng trở nên rõ rệt.

Ngày này cách đây 65 năm, Thế chiến II đi đến chấm dứt ở chiến trường châu Âu. Chiến sự dai dẳng thêm 4 tháng nữa ở châu Á Thái Bình Dương và đến tháng 8-1945, Nhật Bản mới chính thức đầu hàng, dù rằng kết cục đã được tiên liệu từ trước.

Chiến hạm của Mỹ trong Thế chiến II.

Mỗi một cuộc chiến lớn, đặc biệt khi có các cường quốc ở cả hai phe, thường mang tới những điều mới mẻ đối với nghệ thuật và trang bị chiến tranh. Nhưng Thế chiến II lại vượt lên trên quy luật thông thường đó, đem đến những điều chưa từng thấy, nằm ngoài khả năng phán đoán về cấu trúc, vũ khí hạng nặng, thiết bị và chiến thuật chỉ huy quân sự.

Thế chiến I đáng chú ý bởi đó là lân đầu tiên xuất hiện các máy bay chiến đấu quy mô trên diện rộng, tàu ngầm, xe tăng và nhiều thiết bị khác nữa. Nhưng cuộc chiến này không mang tới thay đổi lớn lao như ở cuộc chiến thứ hai.

Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến các quân đội mà còn đa dạng hóa khả năng phi thường của con người. Bước nhảy vọt về khoa học kỹ thuật đã diễn ra trong giai đoạn chiến tranh và ấn định những bước tiến vượt bậc của công nghệ sau này cũng như những thay đổi căn bản trong đời sống nhân loại ở mọi cấp độ - từ mức độ toàn cầu cho đến đời sống hàng ngày – trong suốt 50-60 năm sau đó.

Người ta có thể mải mê trình bày không bao giờ hết về ảnh hưởng của Thế chiến II đối với nhân loại. Riêng ảnh hưởng của Thế chiến II đối với các cuộc chiến tranh sau nó là rất to lớn. Những thay đổi về chiến thuật, tác chiến, chiến lược và kỹ thuật từ thời đó đến nay vẫn còn tồn tại.

Vào giai đoạn bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội của các cường quốc không mấy khác biệt so với thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất. Lực lượng cơ bản vẫn là bộ binh được trang bị súng trường. Xe tăng dù đã được cải tiến, nhưng cũng không hiện đại hơn so với cái thùng sắt vụng về. Tất cả các đội quân đều có kỵ binh và hầu hết máy bay chiến đầu vẫn là loại có hai tầng cánh và được làm từ gỗ dán và vải dù, tuy nhiên kỹ thuật bay có được cải thiện hơn trước.

Vào mùa thu năm 1939, các điều kiện tiên quyết cho một cuộc cách mạng trong chiến tranh đã là tiền đề cho sự phát triển trong những năm sau đó. Việc sản xuất hàng loạt các xe mô tô đã giúp hình thành những đội quân trên bộ cơ động hơn, đồng thời làm thay đổi đáng kể các kỹ năng hoạt động quân sự. Vào cuối những năm 30 của thế kỷ trước, sự phát triển về công nghệ trong ngành công nghiệp động cơ đã giúp các quốc gia hàng đầu trên thế giới chế tạo ra xe tăng thế hệ mới, không chỉ bắn đạn và hỗ trợ cho bộ binh đi mô tô mà còn là một phương tiện có thể tấn công vào khu vực phòng vệ của đối phương thay cho kỵ binh.

Xuất phát từ nhu cầu khẩn cấp của cuộc chiến, những loại máy bay lạc hậu đã bị xóa sổ, thay vào đó là những loại máy móc mới hỗ trợ cho kỹ thuật bay, tạo ra bước nhảy vọt cho lực lượng Không quân, lực lượng này trở thành đội quân biệt lập phục vụ riêng cho các nhiệm vụ chiến lược. Càng ấn tượng hơn khi vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, trực thăng chính thức nhập cuộc.

Công nghệ radio cũng không nằm ngoài cuộc: thứ nhất, việc sử dụng rộng rãi các thiết bị radio truyền tin đã có cải tiến rất nhiều trong việc truyền tin và nhận phản hồi của các nhóm đưa tin. Thứ hai, radio giúp cho việc liên lạc giữa các đơn vị quân đội trên chiến trường. Thứ ba, giai đoạn bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng là lúc các nước tiên tiến bắt đầu nghiên cứu rađa, chính điều này đã đem đến những thay đổi đáng kể trong chiến thuật và hoạt động của tất cả lực lượng quân sự, đặc biệt là không quân và thủy quân.

Sự ra đời của rađa đã khiến đường chân trời như mở rộng hơn và những loại máy bay chiến đấu mới đã làm suy yếu vị trí độc tôn của những tàu pháo lớn -thứ từng là bất khả chiến bại trong nhiều thế kỷ, và đỉnh cao là sự xuất hiện của chiến hạm lớn trong những năm đầu của thế kỷ 20. Hàng không mẫu hạm, trước chiến tranh thế giới thứ hai chỉ được coi là con tàu khổng lồ có tác dụng phụ trợ, đã thay thế vị trí thống trị trên biển của tàu chiến và trở thành một con bài chiến lược. Đó là một căn cứ không quân trôi nổi trên biển phục vụ khu vực có bán kính hàng trăm km xung quanh.

Đội tàu ngầm cũng đạt được những thành tựu đáng kể trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng cho đến giai đoạn chiến tranh thế giới thứ hai, nó mới bắt đầu bước vào cuộc cách mạng. Trong suốt 20 năm giữa hai cuộc chiến, các đặc tính của tầu ngầm thay đổi rất ít, nhưng trong 5 năm tiếp sau đó, tàu ngầm đã có bước nhảy vọt: cùng với lực lượng không quân và tàu chiến trên biển. Tàu ngầm từ vai trò của một “thợ lặn” đã trở thành một con tàu ngầm thực sự có thể hoạt động dưới đại đương trong nhiều tuần. Chính việc sử dụng tàu ngầm trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai là bước khởi đầu cho việc xuất hiện tàu ngầm hạt nhân sau này.

Sự phát triển của kỹ thuật radio đã tác động lên vô tuyến điện, và dẫn tới sự ra đời của những loại vũ khí mà trước đó chỉ có trong các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Chiến tranh thế giới thứ hai đã hiện thực hóa tên lửa đạn đạo (cùng với các thử nghiệm cho tên lửa bắn máy bay và xe tăng), ngư lôi định hướng, bom định hướng trên không và các loại máy tự vận hành – không chỉ là máy bay mà cả các loại máy trên mặt đất – đây là những bước tiến đầu tiên cho các loại robot hiện đại, và các hệ thống chỉ hủy phòng không. Những loại máy vi tính đầu tiên ra đời cũng nhằm mục đích quân sự vì các lực lượng quân đội mới cũng như các phương tiện hỗ trợ khác đòi hỏi sự tính toán nhanh và chính xác hơn.

Cuối cùng, nói đến những kỹ thuật tiên tiến trong chiến tranh thế giới thứ hai, người ta không thể không nhắc đến vũ khí hạt nhân, thứ đã làm thay đổi quan điểm của con người đối với chiến tranh và hòa bình.

Những thay đổi thần kỳ trong kỹ thuật quân sự đã dẫn đến thay đổi về tác chiến và chiến thuật. Không hề nói quá khi cho rằng tất cả các nghệ thuật quân sự hiện đại đều bắt nguồn từ những ý tưởng có trong giai đoạn 1939-1945: hoạt động của các đơn vị hợp thành, tương tác chặt chẽ giữa các binh chủng, tác chiến đặc công, vai trò cực kỳ quan trọng của thủ quân lục chiến, rải bom chiến lược, chiến tranh điện tử, tâm lý chiến. Chiến tranh trở thành một sự tổng hợp về thông tin, tâm lý và kỹ thuật, tạo ra những thay đổi lớn lao đối với công tác hậu cần.

Cuộc cách mạng trên phương diện chiến tranh này cũng làm thay đổi cán cân giữa các nước lớn và nhỏ trên đấu trường quốc tế. Nếu như trước đây sự khác biệt về lực lượng quân đội giữa một nước lớn và một nước nhỏ chủ yếu là ở “lượng”, thì bây giờ trở thành “chất”,. Lý do là chỉ có một số ít các quốc gia trên thế giới có khả năng xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh trong kỷ nguyên hạt nhân và cũng không phải vô tình khi những nước này là thành viên của nhóm 5 cường quốc hạt nhân, và là “hạt nhân” của Hội đồng bảo an LHQ.

Những khái niệm hoạt động mới được hỗ trợ bởi bom hạt nhân, máy bay ném bom chiến thuật và tên lửa đã phát triển không ngừng và nảy sinh ra một khái niệm “thời kỳ căng thẳng gia tăng.” Ranh giới từ hòa bình sang chiến tranh giữa các siêu cường quốc trở nên mong manh hơn bao giờ hết, và một quốc gia cần phải có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất ngay cả khi đang trong thời bình vì chiến tranh và bạo động có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ mức độ nào.

Trước khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, đã có hàng loạt những xung đột lớn nhỏ, chính những cuộc xung đột này đã hình thành nên các khối và nhóm đồng minh trong chiến tranh. Khi xung đột leo thang, các quốc gia lớn dần dần bị kéo vào cuộc, và đây chính là dấu hiệu cho một cuộc chiến lớn sắp nổ ra.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chuyện chiến thắng và chiến bại cũng được quan tâm như vấn đề sinh tử. Một quốc gia thất bại trong một cuộc chiến lớn, sẽ mất mọi thứ, không được là một thực thể chính trị độc lập trong một thời gian dài, hoặc mãi mãi. Trong bối cảnh hiện nay, việc củng cố và không ngừng hiện đại hóa lực lượng quân đội là yếu tố đảm bảo độc lập, tự do và sự sống còn của một quốc gia, cũng giống như 65 năm về trước.

(THEO VNE)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=343
Quay lên trên