Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đại gia có túi tiền khủng tăng gấp hai lần trong vòng một năm tính ra không quá hai người.
Đứng đầu trong các đại gia
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa công bố thông tin cho thấy chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ vẫn đang nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu áp đảo trong DN do chính doanh nhân này gây dựng lên cách đây hơn 10 năm. Theo đó, ông Vũ đang nắm giữ gần 43 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 44,5% vốn tính tại thời điểm cuối tháng 9/2013.
Số lượng cổ phiếu và tỷ lệ cổ phần ông Vũ nắm giữ không có nhiều thay đổi so với cuối năm ngoái hay so với thời điểm một năm trước đó (năm tài chính của HSG kết thúc vào cuối tháng 9) nhưng tổng giá trị cổ phiếu mà ông Vũ đang nắm giữ lại tăng hơn 2 lần.
Cũng giống như diễn biến chung trên thị trường, cổ phiếu HSG tăng giá mạnh trong gần 5 tháng đầu năm 2013 và vẫn đang giữ được mức giá cao vào thời điểm hiện tại, cuối tháng 10 này. Đi cùng với đó, túi tiền của rất nhiều đại gia nở phình ra.
Điểm khác biệt có lẽ ở tốc độ kiếm tiền, và nếu xét theo khía cạnh này thì không ai trong số 20 người giàu nhất trên TTCK sánh được ông Lê Phước Vũ, kể từ người giàu nhất Phạm Nhật Vượng cho tới đại gia đang sở hữu rất nhiều siêu dự án tiềm năng lớn, Đoàn Nguyên Đức.
Tính từ đầu năm tới nay, doanh nhân phật tử Lê Phước Vũ đã “kiếm” thêm khoảng 830 tỷ đồng, nâng tổng túi tiền tính theo giá trị cổ phiếu đang nắm giữ lên trên 1.600 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 100% - tốc độ tăng chóng mặt - vượt xa mức tăng khoảng 10% của người giàu nhất Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng, hay mức hơn 20% của ông trùm BĐS, trùm cao su Đoàn Nguyên Đức - người giàu thứ hai sàn chứng khoán.
Đại gia có tốc độ tăng bám sát nút ông Vũ là ông trùm ngành thép Trần Đình Long - người đang điều hành Tập đoàn Hòa Phát - với kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong thời kỳ BĐS vẫn trầm lắng. Tốc độ tăng tài sản của ông Long là hơn 1,7 lần trong 10 tháng đầu năm.
Cùng thời điểm này, trong tốp 20 người giàu nhất sàn, không ít người chứng kiến tài sản giảm, như bà Nguyễn Hoàng Yến (MSN), ông Hồ Hùng Anh (MSN), ông Nguyễn Văn Đạt (DPR), Trần Phát Minh (STB), Trầm Trọng Ngân (STB).
Không nằm trong tốp 20, nhưng vợ ông Lê Phước Vũ là bà Hoàng Thị Xuân Hương cũng có tốc độ tài sản tăng giống như ông Vũ. Bà Hương đang sở hữu hơn 6,7 triệu cổ phần HSG, tương đương gần 7% vốn tại DN này, với tài sản tăng thêm 120 tỷ lên gần 260 tỷ đồng.
Cũng như nhiều cổ phiếu khác, HSG tăng giá là do nền kinh tế sáng sủa hơn so với một năm trước, các DN chịu ít áp lực hơn, lãi suất vay thấp hơn, dòng tiền được cải thiện đáng kể... Tuy nhiên, tăng ngoạn mục nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng (trong số các đại gia hàng đầu) có lẽ chỉ có HSG, HPG, HVG.
Bí quyết của các ông trùm kiếm tiền
Có thể thấy, tốc độ tăng tài sản gấp hai lần trong vòng một năm là điều hiếm thấy trên TTCK cũng như trong cộng đồng DN. Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của một DN thông thường chỉ khoảng 15%. Giá cổ phiếu theo đó cũng chỉ tăng ở mức gần tương tự. Những trường hợp tăng gấp đôi rất hiếm, đặc biệt đối với các DN có quy mô lớn.
Trường hợp ông Lê Phước Vũ, túi tiền của đại gia này tăng mạnh chủ yếu nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng của Tập đoàn Hoa Sen. Hiện DN này chưa công bố báo cáo hợp nhất, nhưng trong niên độ tài chính 1/10/2012 - 30/9/2013, Công ty mẹ Hoa Sen lãi hơn 608 tỷ đồng, tăng 68% so với niên độ tài chính 2011-2012.
Còn với người giàu thứ ba trên TTCK, ông Trần Đình Long, tài sản của đại gia này tăng mạnh là vì Tập đoàn Hòa Phát kinh doanh vượt trội, chỉ trong 9 tháng đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 27%. HVG của ông Dương Ngọc Minh cũng thế.
Như vậy, tài sản của các đại gia tăng là do DN kinh doanh tốt và dấu ấn lèo lái DN rất lớn của những người đứng đầu.
Chẳng hạn, nói tới Hoa Sen, giới đầu tư không thể không nhắc tới ông Lê Phước Vũ với sự bứt phá mạnh mẽ ngay từ nửa đầu năm 2013 và lọt vào tốp 10 người giàu nhất trên TTCK. Hoa Sen hiện vươn lên hàng đứng đầu cả nước về sản phẩm tôn (chiếm 42% thị phần). Hay với Hòa Phát, thành công của DN này gắn liền với tên tuổi của đại gia Trần Đình Long. Đây là một trong những DN lớn và có hiệu quả kinh doanh lớn nhất ngành thép Việt Nam, với dấu ấn của đại gia hai lần sắm máy bay triệu đô phục vụ công việc.
Có thể thấy, trong khó khăn mới xác định được đâu là kẻ mạnh. Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với khủng hoảng, một số DN không những vượt lên trên giông bão mà còn tận dụng được khủng hoảng để mở rộng thị phần.
Việc thắng bại của DN phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh. Với HSG, HPG hay HVG, chiến lược phát triển là tập trung vào thế mạnh riêng của mình; xây dựng hệ thống bán lẻ tốt, thương hiệu thân thiện với người tiêu dùng cũng như giá cả cạnh tranh là yếu tố giúp các DN bứt phá nhanh chóng.
Tất nhiên, đứng đằng sau các thành công của DN chắc chắn đóng góp quan trọng nhất là của những người lãnh đạo. Tầm nhìn, sự nỗ lực và nhiệt huyết của họ là yếu tố giúp các DN phát triển.
Theo VEF