Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Đổi mới, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện

Cập nhật: 02-12-2023 | 13:42:26

(BDO) Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt đó là đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại đại hội.

Tiếp tục chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích người lao động

Báo cáo tại đại hội, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động không thuận lợi, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp, kéo dài của dịch bệnh Covid- 19 đối với đoàn viên, người lao động và các cấp công đoàn, song phát huy truyền thống của Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng đất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự ủng hộ, phối hợp của các cơ quan, các tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động, cùng với sự năng động, nhạy bén thích ứng của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn tiếp tục có những bước chuyển quan trọng, nhất là trong việc thực hiện vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. 

Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần giảm 55,3% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013 - 2018. Cụ thể, trong giai đoạn dịch bệnh Covid - 19 bùng phát, các cấp công đoàn đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động; phối hợp tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, ban hành 5 chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động và con của người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu với tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng với 10 triệu lượt người lao động được thụ hưởng; tham gia đề xuất, phối hợp tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động và doanh nghiệp.

Các chương trình, mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động mang đậm dấu ấn Công đoàn như “Tết sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn”, “Phiên chợ công nhân”... tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu đến cơ sở. Tích cực nghiên cứu, tham gia đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nhà ở, nơi khám chữa bệnh, hạ tầng xã hội dành cho công nhân...


Các đại biểu tham dự đại hội

5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước do công đoàn phát động ngày càng thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” là các phong trào trung tâm cùng nhiều phong trào, cuộc vận động tiếp tục phát huy, thấm sâu trong đoàn viên, người lao động. Đã có hơn 2,8 triệu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp mới mang lại giá trị làm lợi hơn 163.000 tỷ đồng và đóng góp vào kết quả chung của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính. 

Các phong trào thi đua chuyên đề tiếp tục được đổi mới về cách thức triển khai, sát với thực tiễn. Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” và Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” là bước đột phá, tạo điểm nhấn trong đổi mới về cách thức, biện pháp thực hiện, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động trực tiếp tham gia. Công tác khen thưởng ngày càng đi vào thực chất, kịp thời, công khai, minh bạch. 

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trước  sự xuất hiện những hình thức mới của việc làm, quan hệ việc làm, sự thay đổi về nhu cầu tập hợp, liên kết của người lao động và thiết chế cho phép hình thành tổ chức đại diện người lao động độc lập ngoài công đoàn trong doanh nghiệp, Công đoàn các cấp phải căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của người lao động để xác định mô hình tổ chức, nội dung, mục tiêu và phương thức hoạt động phù hợp. Xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động, quan tâm thí điểm một số mô hình mới để thu hút, tập hợp đoàn viên, người lao động.

Phương thức hoạt động công đoàn cần linh hoạt, không ngừng sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động; hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công đoàn. Cần có giải pháp cụ thể đổi mới phương pháp, tác phong công tác của cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ chuyên trách và cán bộ công đoàn cơ sở.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trong nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành khóa XIII cần khẩn trương khắc phục các hạn chế, phát huy các kết quả đã đạt được để tiếp tục xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại hội nghiêm túc phân tích, kiểm điểm những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đó là: Chất lượng hoạt động công đoàn chưa đồng đều ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị; tiếng nói của công đoàn cơ sở một số nơi chưa đủ mạnh để đại diện, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động; tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động còn nhiều, nhất là tình trạng nợ lương, bảo hiểm xã hội, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; một số vấn đề bức xúc của người lao động về nhà ở, nơi khám chữa bệnh, trường học, nâng cao trình độ tay nghề chậm được giải quyết. Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh chưa tương xứng với tiềm năng...

Ông Nguyễn Đình Khang cho biết cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt của đời sống. Trong bối cảnh đó đòi hỏi các cấp công đoàn cần phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng. 

Mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2023 - 2028 được xác định là: Tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.  

Đại hội đề ra nhiệm trọng tâm, đó là: Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 


Các ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Việt Nam khóa XII chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội

Đại hội XIII đề ra 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ, gồm: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài nhà nước. 

Bên cạnh 3 khâu đột phá, đại hội đề ra nhóm chỉ tiêu phấn đấu gồm: 7 chỉ tiêu hàng năm, 3 chỉ tiêu nhiệm kỳ; 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, điển hình như: Thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động….

Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII phân tích sâu 10 nguyên nhân của các hạn chế, khuyết điểm, đồng thời rút ra 5 bài học kinh nghiệm để tiếp tục phát huy những mặt mạnh, khắc phục các hạn chế trong giai đoạn tới.  Theo đo, cụ thể hóa kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ từng cấp công đoàn và thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị. Coi trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động, kịp thời thích ứng với những thay đổi lớn, vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn. Thực hiện tốt chức năng cơ bản, nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, chủ tịch công đoàn cơ sở có vai trò quyết định đối với việc triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động, đặc biệt là những nội dung mới, khó, phức tạp. Xác định đúng, trúng những nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện. 

Minh Duy

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=795
Quay lên trên