“Đại sứ Doanh nghiệp” Anthony D.Salzman: Thành công chủ yếu nhờ sự kiên trì...

Cập nhật: 07-06-2010 | 00:00:00

Doanh nhân Mỹ Anthony D.Salzman vừa được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị, một trong những huân chương cao quý nhất ghi nhận sự đóng góp của nhân vật được mệnh danh là “Người Mỹ đầu tiên” giúp mở cửa thị trường Việt Nam trong nền kinh tế thời hậu chiến, người đồng sáng lập Diễn đàn Kinh tế Việt Nam và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Năm 1993, một năm trước khi Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, “Đại sứ Doanh nghiệp” Salzman đã cùng vợ và cô con gái 4 tuổi đặt chân tới Hà Nội chỉ vài tuần sau khi Hoa Kỳ cho phép công dân Mỹ sang Việt Nam. Giờ đây, Huân chương Hữu nghị được trao tặng cho vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh thiết bị mỏ và xây dựng V-TRAC khi hai nước kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Xuất thân trong một gia đình khá giả tại Mỹ, là con trai của nhà ngoại giao Herbert Salzman, một chuyên gia cố vấn kinh tế cho 4 đời Tổng thống Hoa Kỳ, điều gì đã khiến thương gia Salzman mang vốn liếng, sự sản của mình sang Hà Nội lập nghiệp giữa lúc thị trường Việt Nam còn nhiều khó khăn và bị chi phối nặng nề bởi lệnh cấm vận thương mại của Mỹ? “Có một số lý do khiến tôi quyết định sang Việt Nam kinh doanh từ 17 năm trước. Thứ nhất, tôi là một doanh nhân. Ông nội và ông ngoại của tôi đều là những thương gia. Họ từ Nga sang Hoa Kỳ làm ăn bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Cha tôi là một giới chức kinh tế cấp cao trong Chính phủ Mỹ. Hai anh em tôi trưởng thành với truyền thống phải nỗ lực làm một điều gì đó có ý nghĩa quan trọng cho thế giới và cho xã hội, đóng góp những điều hữu ích bằng công việc kinh doanh. Với ý tưởng đó, tôi đã tìm kiếm cho mình một nơi để có thể trở thành một con cá lớn trong một cái ao nhỏ. Và lúc bấy giờ, Việt Nam là một sự lựa chọn thích hợp, vì mọi thứ ở đó chưa bắt đầu.

- Ông muốn nói gì về câu chuyện thành công của mình sau gần 20 năm có mặt tại Hà Nội và hiện đang là một trong những doanh nhân thành công nhất tại Việt Nam?

- Anthony Salzman: Tôi nghĩ thành công là sự kết hợp giữa sự may mắn, tính nhẫn nại, bền chí và khả năng nắm bắt cơ hội khi nó đến, nhưng chủ yếu là sự kiên trì. Đến Việt Nam vào thời điểm đó, chúng tôi xuất hiện trên mặt báo Tây phương khá nhiều, vì mọi người đều thắc mắc vì sao một gia đình doanh nhân thành công, giàu có tại Mỹ lại tới Hà Nội làm gì? Và những gì chúng tôi làm đã giúp chứng minh rằng Việt Nam có thể là một địa điểm mà người Mỹ có thể đặt chân tới và được hoan nghênh.

- Doanh nhân Mỹ có thể duy trì thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài khác tại Việt Nam bằng cách nào?

- Đa số các công ty đối thủ làm ăn nước ngoài tại Việt Nam đều rất lớn. Điều này cũng có nghĩa là các doanh nghiệp lớn của Mỹ có thể làm ăn tốt. Các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ có thể cảm thấy khó khăn. Các doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng kinh tế quan trọng đối với Việt Nam nên họ có thể mặc cả các điều kiện ưu đãi về thuế, giá đất đai và tiếng nói của họ dễ được lắng nghe. Điều này không có nghĩa là họ không gặp khó khăn, nhưng vì tầm quan trọng chiến lược của họ đối với lợi ích quốc gia của Việt Nam nên Việt Nam muốn bảo đảm rằng các công ty này làm ăn phát đạt để họ tiếp tục lưu lại đây kinh doanh và phát triển rộng.

- Là người được mệnh danh là “Đại sứ Doanh nghiệp”, theo ông, quan hệ ngoại giao tốt sẽ dẫn tới quan hệ thương mại tốt hay ngược lại?

- Tôi cho là ngược lại. Ví dụ như trường hợp của chúng tôi. Khi chúng tôi tới đây, lúc đó chẳng có quan hệ ngoại giao và quan hệ thương mại gì cả. Thế nhưng sau khi chúng tôi thành lập doanh nghiệp của mình hoàn toàn mang động cơ kinh doanh chứ không phải chính trị, với mong muốn về mối quan hệ thương mại, chúng tôi đã vận động Chính phủ Hoa Kỳ tăng cường nỗ lực tạo điều kiện giao thương với Việt Nam và kết quả là lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam được tháo dỡ.

- Theo ông, việc giao thương tốt với Việt Nam liệu có bảo đảm một mối quan hệ hợp tác tốt trong các lĩnh vực khác?

- Điều này phải đến từ hai phía, vì quyền lợi của cả song phương. Nếu mọi quyền lợi tập trung cho một bên thì sẽ không tiến xa được. Nếu thương mại song phương có thể phát triển thì các mối quan hệ khác cải thiện là một điều song hành dĩ nhiên.

Về quan hệ chiến lược, Hoa Kỳ đang tìm kiếm các đồng minh tại châu Á và tôi cho rằng Việt Nam là một đồng minh tự nhiên thôi vì Việt Nam có vị trí chiến lược về mặt địa lý, cộng với tinh thần dân tộc được biết đến là không ai có thể xâm chiếm được quốc gia này, Việt Nam có vai trò như người bảo vệ đối với nhiều nước tại châu Á và điều này nghĩa là có một mối quan hệ chiến lược Việt - Mỹ một cách tự nhiên, dĩ nhiên là nó phải được cân bằng trước mối quan hệ với quốc gia lân cận.

THẢO VY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=574
Quay lên trên