Đại thắng mùa xuân 1975 - Mốc son chói lọi : Căn cứ Lai Khê tan rã

Cập nhật: 28-04-2014 | 00:00:00
Bài 3: Căn cứ Lai Khê tan rã

> Bài 1: “Một ngày bằng 20 năm”

> Bài 2: Tiểu đoàn Phú Lợi - Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, căn cứ Lai Khê là một trong những “lá chắn” vững chắc của địch, gây nhiều khó khăn cho quân giải phóng trên đường tiến về Sài Gòn. Tuy nhiên, trước sức tấn công như vũ bão của quân chủ lực và bộ đội địa phương, căn cứ Lai Khê nhanh chóng tan rã.

   Bia chiến thắng tại phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát. Ảnh: Đ.HẬU

 

Chuẩn bị khẩn trương

Đến khu vực trước đây là căn cứ Lai Khê của địch (nay thuộc xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng) ít ai có thể hình dung được những cánh rừng cao su bạt ngàn kia từng là căn cứ vững chắc của địch một thời. Ông Bảy Thu (tức Huỳnh Văn Thu), nguyên Huyện đội trưởng, nguyên Bí thư Huyện ủy Bến Cát, cho biết cũng như Đồng Dù ở Củ Chi, căn cứ Lai Khê cũng được trấn giữ bởi một sư đoàn bộ binh hùng mạnh của ngụy - Sư đoàn 5. Đây là nơi địch bố trí hàng ngàn tên lính thiện chiến được trang bị đầy đủ khí tài quân sự hiện đại nhất lúc bấy giờ. Mặt khác, căn cứ này còn được hỗ trợ bởi các căn cứ xung quanh mỗi khi có sự cố.

Trong những ngày cuối tháng 4-1975, trước sự phát triển nhanh của tình hình, Thường vụ Trung ương Cục chỉ thị cho các Tỉnh ủy và lực lượng vũ trang toàn miền: “Táo bạo, đánh các điểm then chốt, kể cả các tiểu khu, thị xã, khi có thời cơ” và “bằng tất cả khả năng sẵn có của địa phương mà mạnh dạn, táo bạo, phát động quần chúng nổi dậy; ấp giải phóng ấp, xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh bằng lực lượng của bản thân phối hợp với chiến trường chung”. Ông Bảy Thu nhớ lại, lúc đó với tinh thần tất cả cho phía trước, tất cả cho chiến thắng, mọi công tác chuẩn bị của các lực lượng phía trước và phía sau đều rất khẩn trương và được Huyện ủy hai huyện Nam- Bắc Bến Cát chỉ đạo triển khai sẵn sàng phối hợp hoạt động với chiến trường chung của tỉnh.  

 Vùng đất căn cứ Lai Khê của địch trước đây nay thuộc huyện Bàu Bàng đang phát triển mạnh mẽ, với đường giao thông mở rộng, nhà cửa khang trang. Ảnh: Q.CHIẾN

Trong chiến dịch tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh nhà, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã giao nhiệm vụ cụ thể cho hai huyện Nam Bến Cát, Bắc Bến Cát. Trong đó huyện Bắc Bến Cát làm nhiệm vụ phối hợp với lực lượng chủ lực tiến công đánh chiếm căn cứ Lai Khê; huyện Nam Bến Cát có nhiệm vụ tổ chức lực lượng huyện phối hợp du kích các xã giải phóng thị trấn, cùng lực lượng chủ lực ngăn chặn địch ở căn cứ Lai Khê rút chạy, tiến tới bức hàng địch ở Lai Khê.

Lai Khê thất thủ

Tin chiến thắng dồn dập của quân và dân ta từ Tây nguyên, Dầu Tiếng, Đà Nẵng, Huế… đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường miền Nam. Ở trong tỉnh, sau khi Dầu Tiếng được giải phóng, các địa phương Phú Giáo, Dĩ An, Lái Thiêu, Châu Thành, Tân Uyên… đã diễn ra những trận đánh dồn ép, bao vây uy hiếp địch. Ông Bảy Thu cho biết, lúc đó để cô lập căn cứ Lai Khê, Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312) đã lập nhiều chốt trên quốc lộ 13 ngăn không cho địch chạy về Thủ Dầu Một. “Nhờ vậy chúng tôi có điều kiện tập trung đánh các mục tiêu ở phía Nam Bến Cát như An Điền, An Tây, Phú An nhằm tiêu hao sinh lực định…”, ông Thu nói.

Trong khi Trung đoàn 209 đã án ngữ đường 13, Tiểu đoàn Phú Lợi 1 dưới sự hỗ trợ pháo của Sư đoàn 320B đã tiến công hạ đồn Bình Cơ, Bình Mỹ xóa sổ Tiểu đoàn quân Sài Gòn 306 để mở đường qua Tân Uyên, Lái Thiêu. Cùng lúc bộ đội địa phương Phú Giáo giải phóng thị trấn Phước Vĩnh, bộ đội địa phương Tân Uyên giải phóng thị trấn Uyên Hưng… Đến ngày 28-4-1975, Sư đoàn 312 đã áp sát, bao vây căn cứ Lai Khê. Trước vòng vây ngày càng siết chặt của quân giải phóng, sáng 29-4, từ căn cứ Lai Khê, địch điều động 70 xe tăng, thiết giáp, xe tải nhằm thẳng vào các chốt của ta. Tuy nhiên, các chốt không những không hề suy suyển mà còn được củng cố vững chắc hơn để quyết tâm ngăn địch tháo chạy.

Tại căn cứ Sư đoàn bộ binh ngụy ở Lai Khê, ta đã bắt sống 7.303 tên, trong đó có 1.000 tên sĩ quan, thu 1.000 súng các loại, hơn 200 xe quân sự, 10 khẩu pháo 105 ly, 2 khẩu 155 ly.

Giờ phút lịch sử đã đến, sáng ngày 30-4, các lực lượng vũ trang của ta nả pháo dữ dội vào căn cứ Lai Khê. Trước sự tấn công ồ ạt của ta, tướng địch ra lệnh rút khỏi Lai Khê chạy về Thủ Dầu Một, nhưng trên đường 13 địch lại bị ta đón đánh buộc chúng phải “mở đường máu” với hy vọng chạy được về Sài Gòn. Đoàn xe cơ giới 36 chiếc chạy băng đồng ruộng qua đường 14 để tiếp tục tháo chạy nhưng đã bị quân ta chặn đánh tiêu diệt và bắt sống hầu hết địch tại khu vực xã Hòa Lợi. Đa số lính ở Sư đoàn 5 ngụy đều cố thủ trong căn cứ Lai Khê và đến 13 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 thì đầu hàng. Căn cứ Lai Khê, nơi tập trung binh hùng tướng mạnh, khí tài chiến tranh hiện đại nhất của chế độ Sài Gòn đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Cùng với việc xóa sổ căn cứ Lai Khê, quân và dân Bến Cát nói riêng và tỉnh Thủ Dầu Một nói chung dưới sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu, giải phóng và nhanh chóng ổn định tình hình. Thắng lợi vẻ vang đó đã góp phần cùng quân và dân toàn miền giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc,  giành độc lập tự do cho Tổ quốc. 

 Bài cuối: Hoàn thành sứ mệnh lịch sử

 TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2778
Quay lên trên