Đăkpxi mùa xuân này

Cập nhật: 23-12-2010 | 00:00:00

Sau những chuyến hàng tất bật ra miền Trung để nhanh chóng cứu trợ cho người dân bị thiệt hại bởi các trận lũ lụt, thiên tai kinh hoàng, Ban Cứu trợ tỉnh lại ngược lên Tây nguyên để kịp bàn giao 33 căn nhà đại đoàn kết do UBMTTQVN tỉnh Bình Dương tài trợ. Đây là món quà xuân rất ý nghĩa đối với bà con dân tộc thiểu số ở xã Đăkpxi, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.

Nơi cơn lũ đi qua...

Lên Tây nguyên, vào huyện Đắk Hà, đi thêm chừng 15km là đến xã Đăkpxi. Chỉ 15km đường từ trung tâm huyện đến UBND xã nhưng chúng tôi có cảm giác như vừa trải qua một hành trình còn dài hơn quãng đường từ Bình Dương lên Kon Tum. Cư dân trong xã sống chủ yếu dọc theo hai bờ con sông Đăkpxi. Dòng Đăkpxi mùa này nước trong vắt trông như một dải lụa trắng uốn mình chảy qua những quả đồi lừng lững. Hình ảnh dòng sông bây giờ trái ngược hoàn toàn với chính nó cách đây chừng hơn một năm. Đó là những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10-2009, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 (Ketsana) đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và Kon Tum là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề về người và của. Người dân nơi đây còn nhớ rất rõ hình ảnh con sông Đăkpxi hiền hòa bỗng trở nên hung dữ, nước cuồn cuộn trào dâng. Chưa bao giờ người dân nơi đây chứng kiến dòng sông mà họ đã gắn bó hết đời này qua đời khác lại “giận dữ” đến vậy. Hàng chục ngôi nhà của bà con ở các thôn đã bị dòng nước lũ cuốn trôi để lại những cây cột gãy giữa nền nhà trơ trọi. Nhà ở đây không rộng lớn hay kiên cố lắm nhưng đó là một tài sản quá lớn đối với người dân còn lắm khó khăn, thiếu thốn nơi vùng đất Tây nguyên này. “Họ vất vả lắm mới làm được một căn nhà che nắng, che mưa nhưng chỉ trong tích tắc tất cả đã cuốn theo dòng nước...”, một cán bộ của xã nói.

 Bà Đào Ngọc Nữ, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Dương tặng ảnh Bác Hồ cho các hộ được trao nhà đại đoàn kết

Có vào đến tận nơi chúng tôi mới hiểu vì sao Đăkpxi chứ không phải một nơi nào khác mới được chọn để xây nhà cho bà con. Anh A Hút, Chủ tịch UBND xã, cho biết Đăkpxi là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Đắk Hà. Toàn xã có trên 900 hộ thì đã có đến gần 800 hộ thuộc diện hộ nghèo (chiếm trên 90%). Do địa hình đồi núi nên giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. “Nhận thức và trình độ sản xuất của nhân dân trong xã những năm qua có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi còn chậm; tình trạng phá rừng làm rẫy, sản xuất du canh trong nhân dân vẫn còn diễn ra cộng với phong tục canh tác lạc hậu nên việc phát triển kinh tế gia đình của bà con gặp nhiều khó khăn. Vậy nên làm thế nào để có cái ăn đã khó nói gì xây nhà, dựng cửa...”, Chủ tịch A Hút tâm sự.

Trước những mất mát của người dân do thiên tai ở xã Đăkpxi, Ban Cứu trợ UBMTTQVN tỉnh Bình Dương đã quyết định hỗ trợ xây tặng 33 căn nhà đại đoàn kết cho 33 hộ bị thiệt hại nặng nhất. Từ nguồn vốn này cùng với những đóng góp của các nhà hảo tâm, của các tổ chức xã hội khác, chính quyền xã Đăkpxi đã khẩn trương xây dựng nhà ở cho bà con.

Và niềm vui xuân đến

Từ trụ sở UBND xã Đăkpxi, xe chạy quanh co theo các sườn đồi, băng qua một vài con suối cạn trước khi đến thôn 9, một trong những nơi bị thiệt hại nặng nhất từ cơn lũ năm 2009. Ông A Đrum, Bí thư Chi bộ thôn, cho biết toàn thôn có 25 căn nhà bị cuốn trôi hoặc hư hại nặng do lũ. Khác với quang cảnh đổ nát cách đây hơn một năm, bây giờ trong thôn nhiều ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố, có nhà lợp ngói, nền lát gạch bông sạch sẽ. “Nhà đại đoàn kết cả đấy!”, ông A Đrum giới thiệu rồi hăng hái dẫn mọi người đi từng nhà... tham quan. Chúng tôi ghé nhà A Tim, một trong 33 hộ dân được nhận nhà đại đoàn kết của Bình Dương trao tặng. A Tim đang loay hoay tìm một nơi thật trang trọng trong căn nhà mới để treo ảnh Bác Hồ do lúc sáng anh được cán bộ tặng kèm theo quyết định trao nhà. Chúng tôi hỏi A Tim có nhà mới vui không? A Tim thành thật: “Vui lắm, mừng lắm! Vợ con mình cũng vui. Nhà xây chắc lắm, đẹp nữa...”. Anh A Hút, Chủ tịch xã Đăkpxi, cho biết A Tim năm nay mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có đến 6 đứa con. Đứa lớn nhất 12 tuổi còn đứa nhỏ nhất mới 9 tháng tuổi. A Tim siêng năng làm lụng nhưng vẫn chưa thể thoát nghèo vì gia đình quá đông con. Đó cũng là nguyên nhân khiến nơi đây còn rất nhiều hộ nghèo.

Không có nhiều thời gian nên chúng tôi chỉ ghé thăm một vài nhà trong tổng số 33 căn vừa mới bàn giao khiến ông A Đrum, Bí thư Chi bộ thôn 9 xuýt xoa vì không biết làm cách nào giữ chân mọi người trong đoàn để bà con ở đây thể hiện tình cảm của mình. “Chúng tôi rất biết ơn những tình cảm quý báu của Ban Cứu trợ tỉnh Bình Dương và các ban ngành của tỉnh Kon Tum đã giúp chúng tôi có được những ngôi nhà khang trang hơn, đẹp hơn, rộng hơn, vững chắc hơn. Có nhà rồi chúng tôi không còn sợ nắng mưa hay bão lũ như trước nữa...”, ông A Đrum nói trong khi chia tay chúng tôi. Trên đường từ Đăkpxi trở về, bà Đào Ngọc Nữ, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Dương, nói ra điều mà mọi người đều đang nghĩ: “Ước gì có thêm nhiều gia đình được nhận nhà để bà con có nơi ở ổn định; ước gì có thêm nhiều tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm và cộng đồng chung tay giúp người dân nơi đây vượt qua khó khăn; ước gì không chỉ A Tim, A Mon, Y Breng, A Đip... mà nhiều người dân khác ở nơi đây đều có những ngôi nhà để thay thế nhà tạm, nhà tranh tre, nứa lá...”.

Xe tiếp tục lăn bánh. Ngoài kia thấp thoáng những vạt hoa Dã quỳ ươm nụ như báo hiệu mùa xuân đang đến. Dã quỳ là một loài hoa đặc trưng của miền đất cao nguyên, có sức sống mãnh liệt và sự dẻo dai đến kỳ lạ. Chúng bắt đầu đơm nụ vào cuối đông và khi đất trời vào xuân thì Dã quỳ bung nở vàng cả một khoảng trời. Chính vì vậy mà không biết từ bao giờ đồng bào Tây nguyên đã gọi Dã quỳ bằng cái tên kiêu sa mà gần gũi: Sứ giả của mùa xuân! Những ngôi nhà ngói đỏ xinh xắn kia là món quà xuân ý nghĩa của nhân dân Bình Dương dành tặng bà con đồng bào ở Đăkpxi mùa xuân này.

Ngoài 33 căn nhà đại đoàn kết (mỗi căn nhà trị giá 15 triệu đồng) được trao cho 33 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đăkpxi, mỗi hộ còn nhận được một phần quà trị giá 2 triệu đồng tiền mặt. Đặc biệt, mỗi hộ nhận nhà đều được tặng ảnh Bác. Trong dịp này, Ban Cứu trợ tỉnh còn trao 600 phần quà cho 600 hộ gia đình ở các xã Đăk Rơ Nga, Đăk Trăm và Ngọc Tụ thuộc huyện Đăk Tô. Mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng tiền mặt. Đoàn cũng đã chuyển 600 phần quà (mỗi phần quà trị giá khoảng 200.000 đồng gồm đường, bột ngọt, mì gói và dầu ăn) cho huyện Đăk Tô để tặng cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

 

ĐÌNH HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên