Trước băn khoăn của các phụ huynh, học sinh sinh viên về tín dụng vay học tập khi mà năm học mới bắt đầu, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Lý khẳng định, ngân hàng đảm bảo đủ vốn cho học sinh sinh viên vay ưu đãi trong năm học mới để tiếp tục giúp các em theo đuổi ước mơ lập thân, lập nghiệp.
Ông Lý cho biết, bên cạnh nguồn vốn thu quay vòng, vừa qua Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý cấp 2.500 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay học sinh sinh viên từ nguồn vốn Chương trình Tín dụng Hỗ trợ giảm nghèo 10 (Chương trình PRSC 10). Hiện nay, Ngân hàng đang tập trung giải ngân để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của học sinh sinh viên.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội hướng dẫn sinh viên vay vốn. Tuy nhiên, thực tế là nguồn vốn cho chương trình cũng còn gặp nhiều khó khăn, cơ cấu nguồn vốn tín dụng chưa có tính bền vững, vẫn còn nhiều bị động.
Hiện nay, vốn cho chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đến từ 3 nguồn chính là ngân sách nhà nước, nguồn vốn huy động từ thị trường thông qua phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh và nguồn thu nợ để tiếp tục quay vòng (tính đến tháng 7-2012 đã thu hồi được 1.800 tỷ). Nhưng thời gian qua, do tác động của khủng hoảng kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa kêu gọi được thêm doanh nghiệp mua trái phiếu.
Do đó, về lâu dài, để tạo lập nguồn vốn vay ổn định cho chương trình, Ngân hàng Chính sách xã hội đã đề xuất được tạo điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ODA, vốn vay dài hạn, lãi suất thấp để tạo nguồn vốn ổn định, cũng như tiếp tục vận động các tổ chức tài chính, tín dụng mua trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ bảo lãnh.
Ông Lý cho biết thêm, trong 5 năm triển khai Chương trình tín dụng đối với học sinh sinh viên, đã có hơn 2,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn để đến trường học tập. Hiện mức cho vay đối với một học sinh sinh viên là 1 triệu đồng/tháng, lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng.
Tính đến thời điểm hoàn thành giải ngân học kỳ II năm học 2011-2012 (30-6-2012) tổng dư nợ đạt 35.000 tỷ đồng, với khoảng 2,3 triệu sinh viên được thụ hưởng. Nhìn chung các hộ vay và học sinh, sinh viên đều có ý thức và trách nhiệm trả nợ khi đến hạn. Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp các hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn giảm đáng kể gánh nặng tài chính, nỗ lực không để một học sinh, sinh viên nào đỗ đại học, cao đẳng phải bỏ học vì khó khăn tài chính.
"Chương trình này còn có ý nghĩa thiết thực góp phần thúc đẩy phong trào học tập ở các địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên ngập lũ, điều kiện kinh tế khó khăn," ông Lý khẳng định.
Theo TTXVN