Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hơn 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, hoặc tái cơ cấu…
Lao động trong lĩnh vực thuỷ sản.
Trả lời vấn đề này, Bộ LĐTBXH cho biết, đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nêu trên.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trên cơ sở thống nhất với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp đang chậm đóng bảo hiểm xã hội còn người đại diện theo pháp luật.
Bộ LĐTBXH cũng đã có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Theo đó, người lao động đủ điều kiện theo quy định trên sổ sẽ được nhận các chế độ lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, tử tuất.
Cơ quan bảo hiểm xác nhận thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới, hoặc bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Bộ LĐTBXH cũng đã đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường thực hiện biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và đảm bảo chế độ cho người lao động.
Về lâu dài, Bộ LĐTBXH đang đề xuất sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Theo số liệu của các cơ quan Bảo hiểm xã hội, 206.000 lao động tại các đơn vị đã phá sản, giải thể trên cả nước thời gian qua vẫn đang được giải quyết các chế độ theo quy định.
Tính đến tháng 6/2023, trong số lao động trên, có 30.241 người lao động đã được hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần; 34.575 người lao động đã được xác nhận quá trình đóng đang bảo lưu; 77.627 người lao động đã được xác nhận quá trình đóng, đang tiếp tục tham gia tại đơn vị mới.
Số còn lại nếu đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động theo quy định.
Theo đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội ghi nhận thời gian người lao động được đóng đến đâu hưởng đến đó và không tính thời gian bị nợ. Sau này, nếu doanh nghiệp đóng số nợ hoặc có nguồn tài chính khác bổ sung thì người lao động tiếp tục được ghi nhận thêm.
Rút kinh nghiệm từ sự việc hơn 200.000 lao động bị nợ bảo hiểm xã hội dai dẳng suốt thời gian qua do doanh nghiệp phá sản, chủ sử dụng lao động bỏ trốn, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, như sau: Quy định cụ thể 2 hành vi, chậm đóng bảo hiểm xã hội và trốn đóng bảo hiểm xã hội;
Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế);
Quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng;
Quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng;
Cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự;
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Theo TTXVN