Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy
điện hạt nhân Fukushima I (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, theo tính
toán, cuối ngày 9/4, đám mây phóng xạ vào Việt Nam.
Đám mây phóng xạ dự đoán lúc 02:00 giờ ngày 11/4/2011
Theo tính toán của các nhà khoa học, đám mây này có thể tồn tại trong
vùng Đông Nam Á một vài ngày. Nồng độ hạt nhân phóng xạ sẽ giảm dần theo
thời gian.
Đám mây phóng xạ mạnh nhất (màu xanh dương) được dự đoán sẽ phân tán rất nhanh trong ngày 9 và 10/4.
Tuy nhiên trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết dù đám mây này có bao trùm Việt Nam thì mức phóng xạ sẽ tăng đến mức
gấp 100 lần so với mức đã phát hiện được. Điều này đồng nghĩa việc nồng
độ phóng xạ quan trắc được cũng sẽ chỉ vào vài ngàn µBq/m3, thấp hơn
hàng ngàn lần so với giá trị giới hạn quy định theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Tính đến 15 giờ ngày 9/4, ngoài việc ghi nhận được các đồng vị phóng xạ
tự nhiên, trạm quan trắc tại Đà Lạt và Ninh Thuận còn phát hiện ra phóng
xạ nhân tạo I-131.
Như vậy, chỉ sau khoảng 1 ngày "biến mất" I-131 đã quay trở lại khu vực Đà Lạt.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131, Cs-134
và Cs-137 đều ghi nhận được. “Các đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận
được tại 3 địa điểm nói trên đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức
khoẻ con người và môi trường,” báo cáo nói rõ.
Bên cạnh đó, trong mẫu lá thông (loại lá thường được dùng để chỉ thị ô
nhiễm phóng xạ trong môi trường không khí và thực vật) do Viện Khoa học
và Kỹ thuật hạt nhân đo, ngoài các đồng vị Be-7, K-40, U-238, Th-232 và
Cs-137 có hàm lượng ở mức bình thường như trước khi xảy ra sự cố
Fukushima I, còn phát hiện được Cs-134 với hàm lượng rất nhỏ, không ảnh
hưởng đến sức khỏe.Theo TTXVN