(BDO) Đam mê nghệ thuật, luôn cháy hết mình với nghề và tâm huyết với phong trào văn nghệ thiếu nhi là những ghi nhận khi chúng tôi tìm hiểu về biên đạo múa Lê Bảo.
Lê Bảo cùng các em Đội văn nghệ thiếu nhi TX.Bến Cát tham quan các sản phẩm gốm sứ tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh
Quê hương ươm mầm nghệ thuật
Trò chuyện với Lê Bảo (tên thật là Phạm Hưng Thời), chúng tôi cảm nhận được ở bạn một niềm tự hào về quê hương Bình Dương của mình. Lê Bảo nói: “Quê mẹ ở Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên, quê ba ở Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một. Đây là 2 nơi có làng nghề truyền thống nổi tiếng của Bình Dương là gốm sứ và sơn mài. Có lẽ vì vậy mà chất men nghệ thuật trong em được ươm mầm nhiều hơn. Em rất hạnh phúc khi những cống hiến của mình góp thêm nhiều màu sắc cho phong trào văn hóa, văn nghệ của tỉnh”.
Với tố chất năng khiếu, đam mê tìm tòi học hỏi, Lê Bảo đã tích cực tham gia và đoạt nhiều giải thưởng cao tại các hoạt động phong trào của địa phương, như: Hội thi kể chuyện sách hè, hội thi giới thiệu – tuyên truyền sách, hội diễn văn nghệ thiếu nhi, giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi…
Càng tham gia nhiều hoạt động, Lê Bảo càng thích thú khi có dịp biết thêm nhiều nét đẹp văn hóa của quê hương. Vì thế, bạn đã quyết định học ngành du lịch tại trường Trung cấp Văn hóa – Du lịch Bình Dương (nay là trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương), rồi tiếp tục học liên thông lên đại học và cao học tại trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh.
Lê Bảo còn tự tin dàn dựng các tiết mục văn nghệ cho trường và ở địa phương. Bảo nói: “Tuy không chuyên nghiệp như các anh chị trong nghề nhưng mỗi khi múa em cực kỳ vui và hạnh phúc. Lên sân khấu múa em như được thỏa niềm đam mê của mình. Chắc có lẽ Tổ nghiệp đã chọn em. Vì vậy mà em luôn gặp may mắn và các chương trình tham gia các sân chơi toàn quốc cũng được giải thưởng cao nhất”.
Chia sẻ về bí quyết có được may mắn trong các hội thi, Lê Bảo tâm tình: “Em chưa hề đi học múa ở trường múa nào. Nhưng em may mắn được các anh chị gạo cội trong giới chỉ bảo rất tận tình, như chị Hoàng Hiền, chị Nguyên Thảo, anh Quốc Linh (các anh chị công tác tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh), chị Anh Như (Nhà thiếu nhi tỉnh), anh Tấn Thông… Từ các anh chị, em đã biết tích góp những cái hay, cái đẹp của các tác phẩm, lưu lại đó học hỏi rồi biến tấu, đưa vào các tác phẩm của mình. Và khi làm việc với Vũ đoàn Hạ Trắng, em có nhiều cơ hội thực hiện đam mê của mình hơn”.
Sẽ cháy hết mình với nghệ thuật
Nhờ biết vận dụng và sáng tạo trong dàn dựng nên các tác phẩm của Lê Bảo ngày càng nâng chất và đoạt nhiều giải thưởng. Đáng chú ý là giải C chuyên ngành múa tại cuộc thi văn học nghệ thuật Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức, với tác phẩm “Bình Dương đất phương Nam quê em”.
Lê Bảo cùng các em Đội văn nghệ thiếu nhi TX.Bến Cát trong chương trình văn nghệ nhân dịp Tết Trung thu
Trong tác phẩm này, Lê Bảo muốn kể cho mọi người câu chuyện về toàn cảnh Bình Dương qua cái nhìn về văn hóa và làng nghề nhưng dưới góc nhìn của các em thiếu nhi; trẻ thơ, hồn nhiên và yêu quê hương mình từ những điều mộc mạc, gần gũi và giản đơn như gốm sứ, sơn mài, trái cây, hoa dầu… những trò chơi dân gian, đồng án…
Từ những điều đơn giản đó nhưng không bao giờ thiếu được, nó như nhắc nhở bao thế hệ phải luôn quý trọng cội nguồn dân tộc, chung tay gìn giữ bảo tồn và phát huy những giá trị đẹp đẽ đó. Bởi lẽ không có quê hương sẽ không có chúng ta thành người.
Nói về cái duyên với phong trào văn nghệ thiếu nhi thì có lẽ đây là phong trào Lê Bảo rất tâm huyết. Bởi bên cạnh dạy kỹ thuật trong các bài thì anh còn gieo vào tâm hồn các em những ý nghĩa cuộc sống, rèn các em từng kỹ năng sống, đạo đức… ứng xử với mọi người xung quanh.
Đáp lại tâm huyết của thầy, các em trong Đội văn nghệ thiếu nhi TX.Bến Cát đã hăng say tập luyện và gặt hái nhiều thành công. Thành quả đáng chú ý nhất là nhiều năm liền đội đoạt giải nhất hội diễn văn nghệ Hoa phượng đỏ Bình Dương và đạt tốp 5 nhà thiếu nhi có chương trình chất lượng nhất tại liên hoan Búp Sen Hồng. Mới đây là giải nhất toàn đoàn tại liên hoan ca múa nhạc thiếu nhi Bình Dương do Tỉnh đoàn tổ chức.
Tuy vậy, Lê Bảo vẫn canh cánh những nỗi lo. Bởi theo biên đạo múa trẻ này, phong trào thiếu nhi tại Bình Dương phát triển mạnh và nhiều màu sắc, nhưng vẫn còn thiếu nhiều sân chơi. Các em cần có thêm nhiều sân chơi, câu lạc bộ, đội nhóm để phát huy tài năng của bản thân, trở thành lực lượng nòng cốt phục vụ cho Bình Dương.
Hy vọng rằng, các ngành, các cấp, nhà trường và gia đình sẽ cùng nhau kết nối nhiều hơn để có được những môi trường tốt, chắp cánh ước mơ cho các em bộc lộ được khả năng, năng khiếu và đam mê của mình.
Ngoài các giải thưởng ấn tượng trong tỉnh như: giải C Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ, nhiều năm liền đoạt giải nhất hội diễn văn nghệ Hoa phượng đỏ, tốp 5 nhà thiếu nhi có chương trình chất lượng nhất tại liên hoan Búp Sen Hồng, Lê Bảo còn có duyên với nhiều giải nhất khi cộng tác dàn dựng chương trình cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị tham gia sân chơi văn nghệ cấp khu vực và toàn quốc. |
THỤC VĂN