Đam mê sáng tạo để giúp đỡ người khiếm thị

Cập nhật: 18-02-2022 | 10:52:01

Với niềm đam mê, hứng thú học tập và sáng tạo, Phan Lê Minh Thư (học sinh (HS) lớp 9A1) và Nguyễn Yến Trâm (HS lớp 8A6) của trường THCS Nguyễn Quốc Phú đã chế tạo sản phẩm “Mắt kính hỗ trợ cho người khiếm thị” và đoạt giải ba tại cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học do Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức vừa qua.

 Minh Thư và Yến Trâm với sản phẩm “Mắt kính hỗ trợ cho người khiếm thị”

 Ước mơ của Yến Trâm là trở thành tiếp viên hàng không. Vì em muốn đi du lịch nhiều nơi, tham quan những nơi em chưa từng đến và cũng muốn quảng bá những hình ảnh tươi đẹp của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Vì thế, Yến Trâm luôn cố gắng học tập, trao dồi thêm những kiến thức và kỹ năng sống để sau này có thể thực hiện được ước mơ của mình. Còn Minh Thư thì có ước mơ làm luật sư. Để thực hiện được ước mơ ấy, Thư luôn tạo cho mình động lực để cố gắng từng ngày phát triển bản thân bằng việc học tập. Em rèn luyện cho mình kỹ năng giao tiếp thuyết trình và ứng biến trong nhiều tình huống. Em cũng trau dồi tiếng Anh để có thể giao tiếp với bạn bè quốc tế và trao đổi với họ về luật pháp, giới thiệu lịch sử, con người và ẩm thực, văn hóa Việt Nam.

Tuy ước mơ không giống nhau nhưng Minh Thư và Yến Trâm là 2 HS có thành tích học tập thuộc tốp đầu tại trường THCS Nguyễn Quốc Phú và rất đam mê sáng tạo. Đặc biệt, 2 em đã cùng lên ý tưởng thực hiện dự án “Mắt kính hỗ trợ cho người khiếm thị” và mong muốn hỗ trợ người khiếm thị tự tin hơn trong sinh hoạt cuộc sống. Chia sẻ với chúng tôi, Yến Trâm cho biết, các em lên ý tưởng cho dự án này vì thấy những người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là việc đi lại.

Quá trình thực hiện dự án “Mắt kính hỗ trợ cho người khiếm thị” của Minh Thư và Yến Trâm cũng là lúc tỉnh bước vào đợt dịch thứ 4, khiến mọi thứ bị chậm lại. Việc tìm nguyên liệu và trao đổi với thầy hướng dẫn trở nên khó khăn hơn. Nhưng những điều ấy không làm cho 2 em HS này ngừng thực hiện dự án. Các em đã tìm tòi những vật liệu xung quanh, có sẵn và gần nơi mình sống để hoàn thiện sản phẩm. Để bảo đảm tính mỹ của sản phẩm, 2 em đã chỉnh sửa cho chiếc mắt kính trở nên gọn gàng và che đi được khuyết điểm trên đôi mắt của người khiếm thị. 

Theo Minh Thư, các em đã có nhiều dự định từ những ngày đầu khi thực hiện dự án này. “Với giá thành rẻ, cách làm đơn giản và mang lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ người khiếm thị trong việc đi lại, chúng em có thể làm ra nhiều chiếc mắt kính như thế hơn nữa. Trong tương lai, chúng em mong mình có thể thuyết phục nhà trường thành lập quỹ để làm ra nhiều chiếc mắt kính hỗ trợ người khiếm thị ở địa phương và nhiều nơi khác” Minh Thư chia sẻ.

Trong những năm qua, cùng với sự đổi mới về chương trình giáo dục, việc nghiên cứu khoa học có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong nhà trường. Đây là một sân chơi bổ ích, trí tuệ và khoa học qua việc tìm kiếm những ý tưởng mới lạ, độc đáo. Đây cũng là hoạt động hỗ trợ tích cực cho hoạt động học tập trong nhà trường, giúp các em HS nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm nhằm giúp cho con người có ý thức hơn trong việc xây dựng đất nước văn minh, hiện đại.

“Chúng em vô cùng bất ngờ khi biết kết quả của sản phẩm mình dự thi và luôn muốn bày tỏ lòng biết ơn với thầy cô và những người đã giúp đỡ chúng em rất nhiều trong quá trình thực hiện dự án. Giải thưởng tại cuộc thi giúp chúng em nhận ra một điều rằng “chỉ cần cố gắng thì mọi thứ tốt đẹp sẽ mỉm cười”. Thông qua cuộc thi này, chúng em còn có thêm một ước mơ nữa là trở thành nhà phát minh chế tạo các thiết bị khác nhằm giúp cho nhiều người có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường mà còn đáp ứng sự phát triển khoa học - kỹ thuật của nước nhà”, Yến Trâm nói.

 MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1392
Quay lên trên