Nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran, ông Ali Bagheri Kani (trái), tại Palais Coburg ngày 4/8.
Ngày 4/8, các nhà đàm phán đã khởi động vòng thương lượng thứ 8 tại khách sạn hạng sang Palais Coburg ở thủ đô Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân hạt nhân Iran có tên gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015.
Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ tháng 3 vừa qua. Cuối tháng 6, Qatar đã tổ chức cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington với hy vọng đưa tiến trình đàm phán trở lại đúng đường, song nỗ lực này vẫn chưa giúp đem lại bước đột phá.
Tháng 7 vừa qua, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell đã trình một dự thảo thỏa thuận và kêu gọi các bên chấp nhận văn kiện này nhằm tránh "cuộc khủng hoảng hạt nhân nguy hiểm".
Ông Borrell cho biết văn bản này bao gồm "các thỏa thuận mà các bên đã rất khó mới đạt được" và "nêu một cách chi tiết việc dỡ bỏ trừng phạt cũng như các bước đi hạt nhân cần thiết để khôi phục thỏa thuận năm 2015".
Thỏa thuận JCPOA đã được các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga cùng với Iran ký kết tháng 7/2015. Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận năm 2018, và Iran cũng đã từng bước ngừng tuân thủ các cam kết của mình trong thỏa thuận.
Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht-Ravanchi cho biết nước này sẵn sàng nối lại việc thực thi đầy đủ các cam kết của mình nếu phía Mỹ đưa ra "quyết định đúng đắn".
Hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông Takht-Ravanchi phát biểu tại Hội nghị kiểm điểm việc thực thi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hat nhân (NPT) lần thứ 10 ở New York (Mỹ) nêu rõ Iran đã tuân thủ các cam kết của mình, như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã xác nhận trong 15 bản báo cáo. Nhưng Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt đơn phương chống Iran.
Ông cũng lưu ý rằng sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran vẫn hành xử có trách nhiệm và thực hiện kiên nhẫn chiến lược nhằm bảo toàn thỏa thuận.
Đại sứ Iran cũng cho biết thêm rằng từ tháng 4/2021, Iran đã đàm phán với các bên khác với thiện chí nối lại việc tuân thủ đầy đủ JCPOA, song vẫn chưa đi đến thỏa thuận vì Chính phủ Mỹ chưa đưa ra quyết định đảm bảo các lợi ích kinh tế đã cam kết cho phía Iran theo thỏa thuận.
Trước thềm vòng đàm phán mới tại Vienna, các quan chức đã bày tỏ lạc quan thận trọng vì các bên vẫn bất đồng trong những vấn đề then chốt. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng cứu vãn JCPOA vẫn là lựa chọn tốt nhất./.
Theo TTXVN